Bán bảo hiểm "đẻ trứng vàng": Thu lợi nghìn tỷ, ngân hàng "ép" khách
Bán bảo hiểm "đẻ trứng vàng": Thu lợi nghìn tỷ, ngân hàng "ép" khách / Phát triển nhà ở xã hội: Gỡ nút thắt pháp lý, giải bài toán tín dụng, nhắm đúng người thụ hưởng
"Con gà đẻ trứng vàng"
Đối với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, việc phát triển thị trường bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng là mô hình liên kết kinh doanh phổ biến. Ở Việt Nam, việc hợp tác bán bảo hiểm qua ngân hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ diễn ra từ hơn 10 năm nay và phát triển rầm rộ nhất là trong 2-3 năm gần đây.
Trong nửa đầu năm ngoái, riêng nguồn thu bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã chiếm 41% tổng doanh thu khai thác mới của doanh nghiệp bảo hiểm. Nhiều dự báo tỉ lệ này sẽ sớm đạt 50% trên tổng doanh thu khai khác mới, giúp ngân hàng trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm.
Nhiều người đã ví von bảo hiểm là "Gà đẻ trứng vàng" của nhiều ngân hàng, với nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều người đã ví von bảo hiểm là "Gà đẻ trứng vàng" của nhiều ngân hàng, với nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm
Thế nhưng, vừa qua, sự hợp tác này đã bỏ qua nguyên tắc tự nguyện trong mua bảo hiểm. Một số nhân viên ngân hàng đã ép khách vay vốn mua bảo hiểm. Nghiêm trọng hơn, một số khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại bị nhân viên ngân hàng biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Ngân hàng "ép" khách mua bảo hiểm
Ghi nhận một số các cá nhân đã đến nhiều phòng giao dịch của một ngân hàng tại TP Hà Nội để gửi tiết kiệm. Họ được nhân viên của ngân hàng và công ty bảo hiểm tư vấn tham gia hợp đồng với tên "Tâm an đầu tư" với lãi suất cao hơn lãi suất gửi ngân hàng.
"Nếu mà tiết kiệm thì chị mua còn bảo hiểm chị không mua đâu, lúc nào có nhu cầu mới mua. Bạn ấy khẳng định sản phẩm này không phải là bảo hiểm", bà Bùi Thị Thuỷ (97 Yên Ninh, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết.
Còn ông Trịnh Đình Thọ (Phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội" thông tin: "Họ đưa cho tôi một tờ rồi bảo tôi ký. Tất nhiên tôi cũng có sơ sót chưa ghi chép gì đã ký. Một vài tuần sau họ đưa tôi quyền đã ký rồi nhưng bản thân tôi không biết đây là bảo hiểm".
Đến gửi tiền hay đến vay tiền đều được "mời chào", thậm chí là "ép" mua bảo hiểm. Nếu mua thì sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi, sẽ được giải ngân nhanh… Áp lực doanh số đã khiến cho các nhân viên ngân hàng bằng mọi hình thức có được các hợp đồng bảo hiểm. Và gánh nặng đó lại tiếp tục được đặt lên vai của khách hàng.
Đến gửi tiền hay đến vay tiền đều được "mời chào", thậm chí là "ép" mua bảo hiểm (Ảnh minh hoạ)
"Thời gian qua, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đóng góp lớn trong tổng doanh thu của ngành bảo hiểm. Ví dụ như bán qua kênh ngân hàng, với hình thức bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, phi nhân thọ chiếm khoảng 14% tổng doanh thu", ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết.
Theo ông Trung, vì phát triển quá nhanh nên thời gian qua đã xuất hiên những bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Nói về tình trạng này,Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho biết, qua thông tin đại chúng và tiếp xúc trực tiếp thì việc "ép" khách hàng mua các gói bảo hiểm là quá phổ biến và rất nhiều. Ông khẳng định đây là một vấn đề nhức nhối.
Còn Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định việc ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm là không thể chấp nhận và là hành vi vi phạm pháp luật.
"Luật Tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều cho phép ngân hàng thương mại được hoạt động là đại lý bảo hiểm. Song Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rất rõ trong quá trình bán bảo hiểm phải tư vấn một cách chính xác, thông tin phải đầy đủ, giới thiệu sản phẩm rõ ràng, lợi ích ra sao. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nghiêm cấm việc cưỡng ép bán bảo hiểm nếu khách hàng không tự nguyện", ông Hùng khẳng định.
Hậu quả lớn
Đánh giá việc mua bảo hiểm không xuất phát từ việc tự nguyện sẽ gây ra hậu quả gì cho khách hàng, luật sư Trương Thanh Đức cho biết mua bảo hiểm để hy vọng lấy lãi sẽ không bằng tiền gửi ngân hàng. Hiện bảo hiểm lệch sang phía huy động vốn đầu tư rất nhiều, ngược lại ngân hàng lệch sang phía bán bảo hiểm.
"Nhiều người được tư vấn, chèo kéo đưa hết vào để nộp một năm, một tháng. Đến tháng thứ 2, năm thứ hai không còn tiền để nộp. Ngay cả những người có thu nhập tốt cũng phải tính toán an toàn, nếu sau này không đủ tiền nộp thì sẽ như thế nào: Nhận về một phần lãi gốc, một phần quyền lợi, thậm chí gần như mất trắng nếu như chấp dứt bảo hiểm giữa chừng", luật sư Đức cho biết.
Theo luật sư, nếu đại lý bên ngoài có khi chèo kéo 10 lần cũng chưa chắc bán được bảo hiểm. Nhưng với ngân hàng khi bán thì khả năng mua bảo hiểm cao hơn rất nhiều bởi khách hàng đặt niềm tin lớn với ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng nắm giữ lượng lớn thông tin về khách hàng (nhưng người có điều kiện) nên rất dễ bán bảo hiểm, dễ khai khác.
"Với lợi ích khổng lồ từ việc bán bảo hiểm, cộng với sức ép chỉ tiêu tăng trường, cho nên dẫn đến câu chuyện có việc "ép" khách mua. Tôi khẳng định việc này đã có hàng chục năm nay, bây giờ rộ lên quá nhiều", ông Đức nhấn mạnh.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ "mạnh tay"
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần có chỉ đạo, cảnh báo các Tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.
Bộ Tài Chính cũng đã có chỉ đạo chấn chỉnh hiện tượng này, trong đó, ngay tuần vừa qua, hai cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục có công điện chỉ đạo về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, đồng thời chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
"Chúng tôi đã thực hiện 4 cuộc thanh tra, trong quá trình hoàn thiện kết luận. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ xử lý nghiêm hoặc phối hợp với cơ quan công an để xử lý. Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra", ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đồng loạt khẳng định sẽ mạnh tay xử lý các trường hợp ngân hàng "ép" mua bảo hiểm
Hiện tại, thị trường đã có rất nhiều thỏa thuận hợp tác giá trị cả nghìn tỷ' giữa các ngân hàng với các hãng bảo hiểm. Mục đích của Bảo hiểm nhân thọ là nhằm bảo vệ khách hàng trước những rủi ro về sức khỏe và tính mạng. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm cũng đặt nguyên tắc quan trọng đầu tiên là việc tham gia bảo hiểm phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện.
Do vậy, "ép" khách mua bảo hiểm không những là bất hợp pháp mà còn làm cho bản chất nhân văn của bảo hiểm bị méo mó. Những hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh.
Tăng cường quản lý thị trường bảo hiểm, làm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng để đảm bảo quyền lợi hợp lý chính đáng của tất cả các bên là vấn đề cần được quan tâm xử lý. Không thể vì lợi nhuận của ngân hàng và bảo hiểm mà tạo gánh nặng lên khách hàng. Và một tín hiệu tích cực là Đường dây nóng đã được Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước thiết lập. Và qua đây, khách hàng hoàn toàn có thể phản ánh nếu quá trình giao dịch tại ngân hàng gặp trở ngại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ