Chuyên gia lý giải nguyên nhân 'kích hoạt' đà bán tháo cổ phiếu
Bộ Công Thương lấy ý kiến về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô / Vượt 30.000 USD, đồng Bitcoin cao nhất trong 2 tháng
Đà bán mạnh thường bất ngờ xuất hiện trong phiên buổi chiều làm nhà đầu tư “trở tay không kịp” và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường.
Tâm lý tiêu cực
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường trước áp lực tỷ giá tăng cao nhất kể từ đầu năm, đến từ việc lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tiến đến gần 5%, cao nhất trong vòng 18 tháng.
Diễn biến này đã kích hoạt đà bán tháo kể từ đầu tuần, khiến các nhóm ngành đồng loạt giảm điểm. Hiệu ứng domino bán giải chấp (công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư nhằm hạ tỷ lệ nợ của nhà đầu tư về mức an toàn theo quy định) càng khiến đà giảm kéo dài trong những phiên sau đó.
Đỉnh điểm, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh rơi xuống dưới hỗ trợ quan trọng MA200 (đường trung bình động 200 ngày) trong ngày thứ 4; trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản và bán lẻ ghi nhận xu hướng giảm mạnh nhất.
Đến chiều phiên thứ 6, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở vùng 1.080 điểm, kéo chỉ số hồi phục 32 điểm từ vùng đáy; trong đó, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán và bất động sản tăng trần.
Kết thúc tuần giao dịch (từ 16 - 20/10); VN-Index giảm 4% so với cuối tuần trước đó, xuống 1.108,03 điểm; HNX-Index giảm 4,4% xuống 228,5 điểm và UPCOM-Index giảm 2,6% xuống 85,6 điểm.
Tuần qua, với việc các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC giảm 6,0%, VHM giảm 5,1%, BID giảm 4,7% và VCB giảm 2,1% đã kéo giảm thị trường, lấy đi tổng cộng 10,5 điểm từ VN-Index. Ngược lại, VJC tăng 1,4%, LPB tăng 2,5% và EIB tăng 1,4% đã kìm lại đà bán tháo của thị trường.
Tâm lý lo ngại khiến thanh khoản duy trì ở mức thấp. Giá trị giao dịch trên 3 sàn chỉ hồi phục nhẹ trong tuần qua, đạt trung bình 18.516 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 12,5% so với tuần trước đó.
Trong tuần ghi nhận khối ngoại quay trở lại mua ròng trên cả 3 sàn trong tuần qua, với giá trị là 779 tỷ đồng (tuần trước đó, khối ngoại bán ròng 1.911 tỷ đồng) trên HOSE; 117 tỷ đồng trên HNX và 12 tỷ đồng trên UPCOM. Như vậy, khối ngoại mua ròng 909 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần qua.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT khuyến nghị nhà đầu tư cần quan sát thêm ảnh hưởng của hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin (vay ký quỹ) của một số bên cho vay tới xu thế thị trường trong những phiên tới.
Tuy vậy, theo ông Hinh, điểm tích cực xuất hiện trong phiên cuối tuần đó là đã bắt đầu le lói những thông tin hỗ trợ cho tỷ giá.
Cụ thể, trong bài phát biểu về chính sách tiền tệ mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - Jerome Powell đã phát đi tín hiệu có thể tiếp tục dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào đầu tháng 11. Điều này có thể kìm lại đà tăng mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC với quy mô 1,5 tỷ USD sẽ góp phân bổ sung nguồn cung ngoại tệ.
Đồng thời, động thái mua ròng liên tục của khối ngoại trong những phiên giảm điểm tuần qua cũng là yếu tố hỗ trợ đáng chú ý cho thị trường.
Thị trường đã về vùng định giá khá hấp dẫn. Mặt bằng lãi suất đã về vùng đáy nhiều năm và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang bắt đầu chu kỳ phục hồi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên duy trì kỷ luật, chờ đợi thị trường xác nhận đáy 2 thành công mới tham gia để giảm thiểu rủi ro và tăng xác suất thành công, Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị.
Nhìn nhận về lý do thị trường giảm điểm trong tuần qua, chuyên gia phân tích chứng khoán Phạm Bình Phương đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, có khá nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện khi VN-Index bước vào tuần 16-20/10. Đáng chú ý như: Căng thẳng gia tăng tại Trung Đông; lợi suất trái phiếu 2 năm của Mỹ tạo đỉnh mới khi vượt 5,2%; tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng...
Trong ngắn hạn thị trường cần có dòng tiền tốt để duy trì xu hướng, do đó nếu thanh khoản khớp lệnh trên HOSE sụt giảm dưới mức 12.000 tỷ đồng sẽ là tín hiệu xấu cho xu hướng hồi phục. Kháng cự cần quan tâm của VN-Index là mốc MA 200 ngày, hiện đang ở mức 1.113 điểm.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn thị trường vẫn biến động khá mạnh và sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy.
Theo SHS, về tình hình vĩ mô, giá dầu thế giới tuần qua tiếp tục đà tăng (dầu Brent tăng 2,89%). Bên cạnh đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần qua cho biết sẽ vẫn kiên định với mục tiêu hạ lạm phát xuống mức 2%, cho thấy mặt bằng lãi suất tại Mỹ sẽ còn duy trì ở mức cao và chưa thể dự đoán khi nào sẽ giảm (hiện tại nhiều ý kiến đang ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới).
Trong nước, tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm quy mô phát hành tín phiếu xuống còn 55.900 tỷ đồng (tuần trước đó là 65.000 tỷ đồng) và có 20.000 tỷ đồng đã đến hạn và quay trở lại hệ thống.
Nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý III và ngoài nhóm ngành chứng khoán hầu hết đều ghi nhận sự tích cực, nhưng sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong các nhóm ngành khác là điều có thể nhận thấy. Nhìn chung trong bối cảnh như trên, việc thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy là vận động phù hợp, SHS nhận định.
Thị trường trong ngắn hạn đang vận động “lỏng lẻo”, nhưng có khả năng hình thành đáy chữ W nếu tuần tới VN-Index tiếp tục hồi phục.
Một tuần không yên ả với chứng khoán thế giới
Thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 20/10, khi nhà đầu tư lo ngại cuộc xung đột Israel-Hamas sẽ lan rộng ở Trung Đông.
Chứng khoán Phố Wall sụt giảm khi các nhà đầu tư tìm cách giảm thiểu rủi ro. Khép phiên 20/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.127,28 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,3% xuống 4.224,16 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,5% xuống 12.983,81 điểm.
Lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm nhẹ. Trước đó, lợi suất tăng nhẹ trong tuần này lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2007, trong bối cảnh thị trường lo ngại Fed đang bước vào thời kỳ lãi suất cao kéo dài.
Fed đã tăng lãi suất cho vay để hạ nhiệt nhu cầu và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn là 2%.
Các thị trường đang thận trọng theo dõi cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, khi có những dấu hiệu cho thấy nó có thể lan sang các nước khác.
Các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu đóng cửa giảm hơn 1%; trong đó, chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,3% xuống 7.402,14 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 1,6% xuống 14.798,47 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,5% xuống 6.816,22 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 1,6% xuống 4.024,68 điểm.
Fed ngày 20/10 cảnh báo căng thẳng ở Trung Đông và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine có thể gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới và thúc đẩy lạm phát toàn cầu.
Trước đó, trong phiên 19/10, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo lạm phát “vẫn quá cao” dù cho đã giảm gần đây, qua đó để ngỏ khả năng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa nếu cần.
Những lo ngại rằng xung đột Israel-Hamas có thể trở thành xung đột khu vực đã đẩy chứng khoán thế giới đi xuống trong phiên 18/10. Còn tại phiên 17/10, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu diễn biến trái chiều.
Chuyên gia Michael Hewson của trung tâm CMC Markets cho biết, số liệu của Bank of America dường như cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu căng thẳng tài chính đáng kể nào.
Ở phiên đầu tuần (16/10), các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm, khi các nhà đầu tư chờ các báo cáo lợi nhuận của khối doanh nghiệp, trong khi tiếp tục theo dõi diễn biến của xung đột Israel-Hamas.
End of content
Không có tin nào tiếp theo