Thị trường

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: "Vấn đề lớn nhất là gói cứu trợ có tới tay DN SME không, hay chỉ dành cho các DN lớn và khách hàng ruột của ngân hàng"

DNVN - Liên quan đến gói giải cứu các doanh nghiệp 300.000 tỷ đồng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vhưng vấn đề đặt ra là tiền đó có đến tay các doanh nghiệp SME không hay lại dành cho các doanh nghiệp lớn có khả năng trả nợ, hoặc các doanh nghiệp là khách hàng “ruột” của các ngân hàng đó mới là vấn đề.

Thành tỷ phú USD nhờ doanh nghiệp thử nghiệm vaccine phòng chống nCoV / Ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú Việt Nam duy nhất trong 'bảng vàng' chống dịch của Forbes

Tại buổi tọa đàm về “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp SMEs thời Covid-19” Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng đã có những chia sẻ thú vị về việc các doanh nghiệp cần phải làm những gì để vượt qua giai đoạn khó khăn trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó ông cũng đưa ra những cơ hội cũng như thách thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn này.

Theo ông Hiếu thì đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể loại một số đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Cơ hội để chiếm lĩnh thị phần, để các doanh nghiệp tận dụng những chương trình hỗ trợ của chính phủ. Có thể tái cơ cấu doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó doanh nghiệp SME cũng đang phải gặp một loạt các thách thức như: Thị trường đầu vào bị giới hạn. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn. Những nước giàu cũng đang đi vào khủng hoảng và nó tác động lên khổng chỉ xuất khẩu nước ngoài mà thị trường nội địa mức cầu cũng đang giảm xuống thấp nhất. Doanh nghiệp SME đang bị thiếu hụt về tài chính trong giai đoạn mà "tiền mặt là vua" thì là một điều rất nguy hiểm.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng.

Ông cho rằng quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu ngắn hạn của mình. Phải đặt ra và trả lời những câu hỏi như sau: Doanh nghiệp có nên duy trì sự tồn tại hay không? Có nên phát triển thị phần hay không? Có nên tạo lợi nhuận không? Có nên giữ lao động không? Theo ông được biết giai đoạn này nhiều doanh nghiệp lấy việc duy trì lao động làm mục tiêu, họ cố gắng dùng toàn bộ số tiền của mình để giữ lại và không sa thải nhân viên. Vậy câu hỏi đặt ra sẽ là nên giữ người hay giữ tiền?...

Tiếp theo là phải xác định được mục tiêu hậu đại dịch. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết phương án dự báo kinh tế năm 2020 đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,8% theo ông mục tiêu này là vô phương không thể đạt được. Theo ông Hiếu trong trường hợp tốt nhất thì tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 4% thậm chí có thể là xấu hơn.

Ông Hiếu cũng khuyên các chủ doanh nghiệp nên dành thời gian nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Phân tích về thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp mình ở thời điểm hiện tại cũng như cần phải có kế hoạch kinh doanh chi tiết.

Tại buổi tọa đàm chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã trả lời nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp SME. Đưa ra dự báo về tình hình lạm phát những năm tiếp theo của nước ta cũng như dự kiến kịch bản cho năm 2020 và năm 2021, ông Hiếu cho rằng: “Hiện tại trên thị trường có 2 xu hướng tác động vào giá cả: một lực đẩy lên và một lực nhấn xuống. Nhiều mặt hàng như nông sản đang rất khan hiếm nên việc đẩy giá bị đẩy lên là đương nhiên. Ngược lại có những loại hàng hóa giá đang bị đẩy xuống rất mạnh trong đó có giá xăng dầu. Và hiện tại hai lực này đang chênh vênh. Tôi có dự báo năm nay lạm phát sẽ xuống dưới 4%. Nếu như xuống được 3% là chúng ta đã thành công trong việc hạn chế lạm phát”.

Ông cũng nhấn mạnh: Khủng hoảng do Covid-19 gây ra không giống như những khủng hoảng khác. Kinh tế sẽ không đi được theo hình V mà có thể sự phục hồi này sẽ đi theo hình chữ W. Đây là hiện tượng bùng phát khủng hoảng lại lần 2 trong trường hợp dịch bệnh lây qua nhau khi chúng ta mở cửa kinh tế trở lại.

Chia sẻ về các khó khăn các doanh nghiệp SME đều đang gặp phải khi tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ và cách làm thế nào để doanh nghiệp có thể nhận được gói hỗ trợ này, ông Hiếu nói: "Hiện tại, các Ngân hàng Nhà nước tuyên bố có gói hỗ trợ lãi vay từ 1-4% và nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì lãi suất huy động của các Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể giảm sâu hơn nữa vì hiện tại mức giảm lãi suất vẫn chưa được như kỳ vọng".

“Chỉ tính trong quý I/2020 tỷ lệ tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Có lẽ chúng ta sẽ chờ đợi thời gian tới, khi gói cứu trợ được tung ra thị trường, các Ngân hàng có thể giảm lãi suất sâu hơn. Với điều kiện các gói giải cứu được thực hiện tốt thì lãi suất cho vay có thể giảm ở mức 2%” ông Hiếu nhận định.

Dự báo về việc liệu sau đại dịch xảy ra các doanh nghiệp nước ngoài có đầu tư ồ ạt vào Việt Nam hay không, ông Hiếu cho rằng: Số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sắp tới sẽ chưa mạnh. Hiện tại chúng ta đang có rất nhiều thuận lợi. Trong khi số người lây nhiễm và chết trên thế giới ngày càng tăng thì ở Việt Nam hiện đang là điểm sáng để kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta đang ở trạng thái an toàn. Thời gian tới sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Các nhà đầu tư vào Trung Quốc đang bị chấn động bởi dịch bệnh và chính trị. Với nguồn lao động dồi dào thì chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tính toán quay trở lại Việt Nam để đầu tư.

"Tuy nhiên giai đoạn này chúng ta cũng gặp không ít bất lợi. Cả nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng. Thị trường chứng khoán đang chao đảo, tất cả đều đang lúng túng hoang mang về kinh tế cả thế giới bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn khủng hoảng toàn diện này thì sẽ khó thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta. Vì ở giai đoạn này họ phải chờ thị trường ổn định trở lại nhằm bảo vệ được tài sản của mình. Đây là hai chiều hướng đang song hành và đối nghịch với nhau” ông Hiếu nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề nên giữ người hay giữ tiền trong giai đoạn khó khăn hiện tại, ông Hiếu nói: “Mặc dù là một chuyên gia tài chính nhưng với tôi đồng tiền không phải là quan trọng nhất. Với các doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn này "tiền mặt là vua" nhưng không phải là tất cả, vì tiền sẽ đến và đi, chỉ có con người mới là quan trọng nhất trên thế giới này. Vì vậy, trong giai đoạn khó khăn nhất tôi vẫn chọn người lao động”.

Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp SME có thể “chết” trước khi nhận được gói cứu trợ từ Chính phủ vì phải đợi quá lâu và cũng rất khó khăn để tiếp cận gói cứu trợ này, và việc các ngân hàng nên có những động thái, giải pháp gì để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp SME tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, về vấn đề này ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: "Hiện nay các Ngân hàng đang đăng ký gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng. Theo một nguồn tin riêng của tôi thì gói này đã được các Ngân hàng đăng ký lên đến 600.000 tỷ đồng thậm chí là cao hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là tiền đó có đến tay các doanh nghiệp SME không hay lại dành cho các doanh nghiệp lớn có khả năng trả nợ, hoặc các doanh nghiệp là khách hàng “ruột” của các ngân hàng đó mới là vấn đề".

"Vì vậy, đề nghị Chính phủ phải có chính sách rõ ràng cụ thể để tất cả mọi người được biết. Nếu nói chung chung cho các Ngân hàng thì họ sẽ hành động quyết định theo chỉ tiêu an toàn lợi nhuận và hoàn vốn của họ” ông Hiếu nhận định.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm: “Rất nhiều doanh nghiệp khi tiếp cận với các Ngân hàng đều nhận được câu trả lời chúng em đang chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy thì các Ngân hàng hãy chủ động xác định và đưa ra những tiêu chí cụ thể dành cho doanh nghiệp như: Sẽ có bao nhiêu phần trăm trong gói hỗ trợ dành cho khách hàng cũ? Bao nhiêu phần trăm dành cho doanh nghiệp SME? Bao nhiêu phần trăm dành cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh? Bao nhiêu phần trăm cho doanh nghiệp là khách hàng “ruột”? Bao nhiêu phần trăm dành cho vay? Bao nhiêu phần trăm giãn nợ? … chứ nếu cứ ngồi chờ quyết định của Chính phủ để có bộ chỉ tiêu thì các doanh nghiệp đến 90% đã chết rồi”.

Ông cũng khuyên “các doanh nghiệp SME nên tìm đến các doanh nghiệp tầm trung và nhỏ vì họ có tổng tài sản thấp, nên họ luôn có những chương trình ưu đãi và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt nam có thể quay trở lại và đạt mức hơn 7% vào năm 2021 ông Hiếu nhận định: “Tôi rất lạc quan về kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới với điều kiện là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh. Theo tôi, kinh tế bắt đầu quay trở lại vào quý III năm 2020 và chúng ta cần ít nhất 6 tháng đến một năm để phục hồi lại nền kinh tế”.

Đối với các doanh nghiệp SME và các bạn trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, ông Hiếu nhấn mạnh: "Never Give Up – không bao giờ bỏ cuộc, không chịu thua đó là câu mà tôi muốn nhắn nhủ. Nếu bị đánh bại trận này chúng ta phải đứng dậy chạy tiếp".

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm