Thị trường

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden: Tạo động lực cho Việt Nam phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xanh

DNVN - Nhân chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam, dự kiến từ ngày 10 - 11/9, Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã có chia sẻ về động lực và định hướng phát triển kinh tế Việt – Mỹ thời gian tới.

Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất giải pháp mới thúc đẩy thương mại Việt - Mỹ / Từ 15/2, có thể mở đường bay thẳng Việt - Mỹ

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam lần này là nhằm phát triển mối quan hệ toàn diện giữa hai nước trên tất cả các mặt.

Chuyến thăm vừa kiểm điểm, vừa định hướng quan hệ hai nước trong những thập kỷ tới nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện. Chắc chắn kết quả lần này sẽ đặt ra tiền đề mới cả về chính trị, đối ngoại, hợp tác kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác cho quan hệ Việt - Mỹ.

Trong 10 năm qua của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, hợp tác kinh tế là một điểm rất chủ chốt và có nhiều thành quả quan trọng. Thương mại hai nước tăng gần 4 lần. Năm 2013 (khi thành lập quan hệ đối tác toàn diện) là khoảng 35 tỷ USD, đến nay là 123 tỷ USD.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, hợp tác kinh tế là một điểm rất chủ chốt và có nhiều thành quả quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ.

“Điều quan trọng hơn, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và duy nhất của Việt Nam đến nay đạt trên 100 tỷ USD. Đằng sau những câu chuyện đó, trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai nước liên tục đạt mức 17-19%/năm.

Điều này cho thấy dư địa hợp tác kinh tế Việt - Mỹ còn rất nhiều. Nền kinh tế hai nước có tính bổ sung cho nhau thì tăng trưởng thương mại mới lớn như vậy. Thị trường Mỹ là thị trường rất lớn, thực sự quan trọng với Việt Nam nên chúng ta phải rất quan tâm khai thác thị trường này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh khẳng định, nền kinh tế của Việt Nam có đổi mới và được nâng lên về chất lượng cho nên sản phẩm hàng hóa của Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh và đủ sức hấp dẫn vào thị trường Mỹ. Việt Nam cần làm tốt hơn nữa hoạt động hợp tác kinh tế với Mỹ vì dư địa còn rất nhiều.

Thế giới đang chuyển đổi mạnh, nhất là chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và phát triển sản xuất. Trong đó, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế và sản xuất dựa trên khoa học công nghệ, sáng tạo, kinh tế xanh. Việt Nam muốn phát triển bền vững, chất lượng cao hơn thì phải hướng tới điều này.

“Mỹ có thế mạnh về khoa học công nghệ, sáng tạo, kinh tế xanh. Tôi tin rằng việc hợp tác kinh tế dựa trên các thế mạnh này chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong những năm tới. Chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam sẽ tạo động lực về chính trị và kinh tế cho sự phát triển đó”, ông Vinh nói.

Đơn cử, đầu năm 2023, một đoàn doanh nghiệp Mỹ bao gồm các tập đoàn hàng đầu tới thăm Việt Nam. Các doanh nghiệp này nhấn mạnh muốn làm ăn lâu dài, đầu tư lớn tại Việt Nam. Trong đó, hoạt động hợp tác, đầu tư liên quan đến khoa học công nghệ và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ được đưa lên hàng đầu.

Trong chuyển đổi xanh, Mỹ cùng các nền kinh tế phát triển đã thiết lập đối tác, tìm cách vận động để có được vốn khoảng 10,5 tỷ USD để giúp đỡ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, đặc biệt là chuyển đổi về năng lượng.

Chuyến thăm Tổng thống Mỹ Biden sẽ tạo động lực cho Việt Nam phát triển kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo.

Thông báo của Nhà Trắng cũng như trao đổi của lãnh đạo Việt Nam với Mỹ phục vụ cho chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam đã nhấn mạnh, làm sao hợp tác hai bên có thể hỗ trợ cho Việt Nam phát triển kinh tế, dựa trên những cơ sở công nghệ và sáng tạo. Phía Mỹ cho rằng để làm được điều đó, các tập đoàn Mỹ sẽ đến Việt Nam, có chương trình hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam để có thể đáp ứng những yêu cầu mới của nền kinh tế.

Mỹ đã trao đổi với Việt Nam trong khuôn khổ đa phương về khung kinh tế Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương với 3 nội dung rất quan trọng là kinh tế số, chuỗi cung ứng bền vững và chuyển đổi xanh để thích ứng biến đổi khí hậu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quan trọng và trở thành động lực phát triển của thế giới, với những nền kinh tế lớn nhất (Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản). Các nước không chỉ Mỹ mà cả châu Âu cũng muốn làm ăn tại đây.

Việt Nam sau đổi mới và hội nhập đã kết nối được với các nền kinh tế lớn nhất của thế giới như châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ thông qua những dàn xếp để đàm phán về thương mại đa phương. Những kết nối này sẽ tạo cơ sở cho Việt Nam tranh thủ được nguồn lực, phát triển về kinh tế nói chung và kinh tế dựa trên công nghệ sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế xanh nói riêng, kết hợp theo cả hướng song phương và đa phương.

“Chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam sẽ tạo động lực để thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, đồng thời, sẽ có những đột phá và phát triển về kinh tế rất mạnh mẽ trong quan hệ Việt – Mỹ theo hướng vừa thúc đẩy cái cũ, vừa đưa ra mô hình phát triển mới”, ông Vinh nhận định.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm