Thị trường

Có hay không nhóm lợi ích trục lợi chính sách xuất khẩu gạo?

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4/2020 vừa mở ra đã hết khiến họ không kịp đăng ký. Có nhóm lợi ích nào đang trục lợi chính sách xuất khẩu gạo không.

Công ty Vạn Phát Hưng bị phát hiện nhiều sai phạm tại KDC Nhơn Đức / Sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế đại trà sẽ khó xuất vào EU

Chưa kịp vui mừng vì quyết định đồng ý nối lại xuất khẩu gạo của Thủ tướng, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lại vừa có đơn "kêu cứu" tới Thủ tướng về việc "Hải quan mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử không minh bạch".

Doanh nghiệp bức xúc

Ông Bình cho biết, ngay sau khi biết tin được xuất gạo trở lại, công ty đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3 (công ty cho nhân viên trực khai hải quan đến 21 giờ đêm ngày 11/4), nhưng hệ thống phần mềm hải quan điện tử không mở.

Hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4/2020 vừa mở ra đã hết khiến doanh nghiệp không kịp đăng ký (Ảnh minh họa: Internet)
Hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4/2020 vừa mở ra đã hết khiến doanh nghiệp không kịp đăng ký (Ảnh minh họa: Internet)

Công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của Hải quan. Công ty lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được hệ thống báo “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung tâm”.

Đến sáng Chủ nhật ngày 12/4/2020, công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu. Quá bức xúc, công ty đã liên hệ một số doanh nghiệp có nghiệp vụ về mạng và được biết: Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc từ 0 giờ ngày 11/4 đến 3 giờ sáng ngày 12/4 là đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn!

Theo đơn "kêu cứu" của Công ty Trung An, từ trước ngày 24/3 đến nay, công ty đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng. Hiện tại đang có mấy trăm nghìn tấn gạo đã nằm tại các cảng chờ thông quan (danh sách, số container các doanh nghiệp nhận về để đóng gạo hãng tàu, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ). Nếu Hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên là phải cho các lô gạo của các doanh nghiệp đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới.

Một doanh nghiệp khác cũng bức xúc cho biết đã cho nhân viên canh 24/24 để mở tờ khai hải quan, nhưng cũng chỉ lấy được số tờ khai, chứ không đi được đến bước cuối cùng, trong khi doanh nghiệp đang bị kẹt hàng nghìn tấn ở cảng do lệnh dừng xuất khẩu gạo trước đó.

 

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết chỉ có 7/24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh đã khai báo hải quan, tuy nhiên sản lượng khai báo chỉ được khoảng 8.500 tấn gạo (trung bình xuất 50.000 tấn/tháng). Số lượng gạo xuất khẩu đã khai chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng hợp đồng dự tính xuất trong tháng 4.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đóng container tại cảng nhưng vẫn không khai báo hải quan được do không biết thời gian mở cho khai hải quan. "Việc triển khai thời gian khai hải quan trên là thiếu tính minh bạch, không công bằng giữa các doanh nghiệp", ông Đức cho biết.

Cân đối để xuất khẩu hợp lý

Theo đó, đại diện Sở Công Thương Long An đề xuất trong tổng hạn ngạch của cả nước, Bộ Công Thương xem xét phân bổ tỷ lệ hạn ngạch cho doanh nghiệp theo thành tích xuất khẩu 6 tháng trước đó của doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp đều có cơ hội xuất khẩu trong tháng 5/2020 khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Chia sẻ về vấn đề của xuất khẩu gạo, Gs. Ts. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia ngành lúa gạo nêu quan điểm: "Việc áp dụng quota, đăng ký tờ khai hải quan tự động trong xuất khẩu gạo đã dẫn đến sự tranh giành lẫn nhau giữa các doanh nghiệp xuất khẩu. Tại sao chúng ta không ưu tiên cho các doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu gạo rồi, đã đem hàng ra cảng được xuất khẩu trước bởi những doanh nghiệp này đã bị ách tắc từ trước đó".

 

Hơn nữa, ông nhấn mạnh Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp sẽ không bao giờ có chuyện thiếu lúa gạo. Liệu rằng đang có nhóm lợi ích nào chi phối xuất khẩu gạo hay không? Giờ đang là lúc tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, doanh nghiệp sống được, nông dân cũng sống được, nhờ thế ngân sách nhà nước mới thu được thuế. Chứ cứ cấm, hạn chế thế này thì doanh nghiệp và nông dân đều khó khăn.

Theo Gs. Võ Tòng Xuân, áp quota trong xuất khẩu gạo chỉ nên đặt ra giữa hợp đồng bán gạo giữa chính phủ với chính phủ. Còn đối với các hợp đồng do doanh nghiệp đàm phán được nên để doanh nghiệp được tự do xuất khẩu. Doanh nghiệp khéo tay tìm khách hàng, Nhà nước phải ủng hộ doanh nghiệp chứ không nên giới hạn bằng rào cản.

Ông đề xuất ngay thời điểm này nên cho xuất khẩu 3 triệu tấn gạo, nếu không được con số này thì cũng nên xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn. Bởi 2-3 tháng tới, Việt Nam lại thu hoạch vụ lúa Hè Thu.

Lý giải đề xuất trên, Gs. Võ Tòng Xuân cho biết Việt Nam có vùng phía Bắc Đồng Tháp Mười với diện tích trên 400.000 ha trồng lúa là vùng có điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi, không sợ bị thiếu nước hay ngập mặn. Do có hệ thống kênh đào sâu, lấy nước ngọt từ sông Cửu Long nên vùng này không bao giờ mất mùa, năng suất rất cao như vụ Đông Xuân vừa rồi 7-8 tấn/ha. Vụ Hè Thu nếu may mắn, mưa không dồn dập thì sẽ trúng mùa nữa, có thể đạt được 6 tấn/ha.

Trước lập luận trên, ông Xuân một lần nữa băn khoăn phải chăng đang có nhóm lợi ích chi phối hoạt động xuất khẩu gạo? Nếu đặt lợi ích vừa đảm bảo xuất khẩu gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực sẽ thấy vụ Đông Xuân vừa qua Việt Nam có ít nhất 5,5 tấn gạo, rồi Vụ Hè Thu sắp tới có ít nhất thêm 4 triệu tấn. Trong số 5,5 triệu tấn đã thu hoạch ở vụ Đông Xuân, trong 2 tháng đầu năm đã xuất khoảng 900.000 tấn, để lại 1,5 triệu tấn để cung cấp cho an ninh lượng thực, phần còn lại có thể xuất khẩu được.

 

"Nếu Việt Nam xuất khẩu gạo sẽ chứng tỏ chúng ta là cường quốc sản xuất lượng thực hàng đầu thế giới. Nếu điều hành tốt, người dân không tích luỹ quá số gạo mình cần thì Việt Nam sẽ có dư thừa gạo để xuất khẩu", ông Xuân nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm