Cơ hội cho hàng hoá Việt Nam vào thị trường khu vực Mỹ Latin
Trong số 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mexico, Peru, Chile đều là những nước có cam kết cắt giảm tỉ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Giá vàng hôm nay (21/12): Đầu phiên tăng nhẹ / Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ tăng cao trong năm 2021?
Cụ thể, tỉ lệ cắt giảm thuế quan cho hàng hoá Việt Nam tại Peru là 80%, Mexico là 77%, thậm chí Chile lên đến 95%. Với những ưu đãi thuế quan cao như vậy, hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường này.
Mexico là thị trường đầy tiềm năng cho thuỷ sản Việt. Ảnh minh hoạ.
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong số 11 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định CPTPP, đã có Mexico phê chuẩn hiệp định còn 2 nước Peru, Chile chưa được phê chuẩn.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực đối với Việt Nam, năm 2019, tổng giá trị thương mại hai chiều của Việt Nam với Mexico, Chile, Peru đạt 5,12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang ba thị trường này đạt 4,11 tỷ USD, tăng 26,76% so với cùng kỳ năm 2018.
Đây là những thị trường mà Việt Nam xuất siêu cao nhất tại khu vực Mỹ Latin, với tổng giá trị thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ USD. Tăng trưởng ghi nhận lần lượt tại các thị trường Mexico (26,3%), Chile (20,3%) và Peru (36,4%).
“Năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch COVID-19, song xuất khẩu sang 3 thị trường này vẫn đạt 3,74 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tăng trưởng ghi nhận ở cả Mexico (8,6%) và Chile (0,7%). Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, điện thoại linh kiện các loại,…”, bà Võ Hồng Anh cho hay.
Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cho biết, Mexico là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản Việt. Cá đông lạnh, tôm là mặt hàng được hưởng thuế suất 0% kể từ năm thứ 3 CPTPP có hiệu lực. Hằng năm, Mexico nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh. Mặt khác, Mexico còn là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh nên doanh nghiệp Việt cần chú ý đến yếu tố về giá.
Peru cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng và là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của Việt Nam bởi 75% các công ty xuất nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa dễ thâm nhập.
Dệt may, giày dép khi xuất khẩu sang thị trường Peru, thuế suất giảm theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16. Hàng năm, Peru nhập khẩu khoảng 350 triệu USD hàng giày dép, chủ yếu là giày dép giả da hoặc có thành phần nhựa. Với CPTPP, mặt hàng giày dép xuất xứ từ Việt Nam vốn đã được biết đến tại Peru sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh ngang bằng hàng hóa của Trung Quốc và Brazil.
Đối với Chile, dù là một thị trường nhỏ tại Nam Mỹ nhưng cơ hội lại rất rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Với việc CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội tăng cường xuất khẩu sang Chile. Mặc dù Hiệp định CPTPP chưa được phê chuẩn tại Chile song trước đó, Việt Nam và Chile đã có FTA từ năm 2011, nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tận dụng được ưu đãi từ FTA này.
Hằng năm, Chile phải nhập khẩu trên 16 tỷ USD hàng tiêu dùng, các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng không phải là thế mạnh của Chile và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân nước này. Do vậy, các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chile chủ yếu mang tính bổ sung, không cạnh tranh lẫn nhau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo