Thị trường

Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ

DNVN - Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc với Việt Nam, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) nhận thấy Ấn Độ và Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ và năng lượng.

Xúc tiến xuất khẩu: Một số ngành hàng có thế mạnh bị lãng quên? / Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi như thế nào trong dịp Tết 2021?

Mới đây, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức buổi giao thương trực tuyến và gặp gỡ trực tiếp tại hai điểm cầu thành phố Hải Phòng – Việt Nam và thủ đô New Delhi - Ấn Độ.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết: “Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 10 lần từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, lên hơn 11 tỷ USD vào năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,6 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu là yếu tố cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng khi các thị trường phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu”.
Ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch các Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ.

Ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch các Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ với diện tích và dân số rộng lớn được phân bổ theo từng vùng, từng khu vực, mỗi vùng có điều kiện tự nhiên, văn hóa và thói quen tiêu dùng khác nhau là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ, với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc với Việt Nam, tôi nhận thấy hai nước có nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ và năng lượng”.
Theo ông Tiêu Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng, thành phố Hải Phòng có nhiều tiềm năng xuất khẩu, trong đó nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất là điện, điện tử và máy móc thiết bị. Hải Phòng hiện đã xuất khẩu hàng hóa sang hơn 130 thị tường quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,95 tỷ USD.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, hợp tác kinh tế thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai nước có sự tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm vừa qua.
Quan hệ thương mại, là một trong 5 trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ, đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua. Tổng kim ngạch XNK tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD năm 2016 lên 11,21 tỷ năm 2019; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD năm 2016 lên 6,67 tỷ USD (2019).
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại Ấn Độ - Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD vào năm tài chính 2018-19, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 6,5 tỷ USD và nhập khẩu 7,2 tỷ USD, thương mại năm 2019-20 có giảm chút ít xuống còn 12,4 tỷ USD.
Trong phần thảo luận, các doanh nghiệp tham dự hội thảo đã có cơ hội nêu ý kiến và đặt câu hỏi cho đại diện từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cũng như đại diện các phòng thương mại, liên đoàn của Ấn Độ. Các câu hỏi liên quan đến một số thay đổi chính sách mới của Ấn Độ liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu hương nhang, quy định về C/O... Các doanh nghiệp Ấn Độ rất quan tâm đến nhu cầu của thị trường Việt Nam với một số mặt hàng của Ấn Độ, hay quy định về đầu tư tại Việt Nam...Trong không khí thảo luận sôi nổi, tích cực, các câu hỏi của các doanh nghiệp đều được các diễn giả giải đáp đầy đủ, thỏa đáng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động kết nối doanh nghiệp trực tiếp, bên cạnh phiên thảo luận, hội thảo đã định hướng và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Ấn Độ theo hình thức giao thương trực tuyến (B2B). Đây là nỗ lực rất lớn của Ban tổ chức hội thảo nhằm kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp, đem lại hiệu quả hỗ trợ thực chất, thiết thực cho các doanh nghiệp quan tâm tới thị trường Ấn Độ.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của khoảng 250 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đại diện các phòng thương mại và công nghiệp, các trung tâm xúc tiến thương mại, các công ty lữ hành của cả hai phía Việt Nam và Ấn Độ đến tham dự theo hình thức trực tiếp hoặc theo hình thức kết nối trực tuyến.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm