Thị trường

'Đại gia' bán lẻ đua mở rộng 'chân rết'

Dù sức mua chưa thực sự khởi sắc, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc mở rộng hệ thống để tạo lợi thế cạnh tranh sau đại dịch COVID-19.

Hết lợi thế lệ phí, ô tô nội lấy gì để cạnh tranh với xe nhập? / Đầu tư cổ phiếu ngành gì trong năm 2021?

Năm 2020 có thể nói là năm khó khăn với ngành bán lẻ Việt Nam, nhất là trong giai đoạn các trung tâm thương mại, siêu thị thưa thớt khách đến vì giãn cách xã hội để đối phó với dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang đặt rất nhiều kỳ vọng tại thị trường này.

Tăng tốc để chiếm thị phần

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng Ban Đối ngoại Marketing, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG, cho biết trong thời gian vừa qua, phát triển theo tiến trình của hiện đại hoá, quốc tế hoá, thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với mô hình hiện đại hơn, là tín hiệu tích cực cho người tiêu dùng.

cac-DN-ban-le-hau-COVID-19-3663-16083401

Các doanh nghiệp bán lẻ đang có kế hoạch mở rộng thêm nhiều 'chân rết'.

Tập đoàn BRG định hướng Hapro hợp nhất các thương hiệu như HaproMart, HaproFood, Intimex... thành hệ sinh thái phát triển chuỗi BRG Mart, HaproFood BRG Mart.

"Chúng tôi có kế hoạch đưa ra thị trường 100 điểm HaproFood BRG Mart, siêu thị BRG Mart phục vụ người tiêu dùng trong thời gian tới", bà Huyền chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty VinCommerce, cho biết hệ thống nhà bán lẻ này đặt mục tiêu đạt gần 10.000 điểm bán nội địa (cửa hàng VinMart+) và hơn 300 siêu thị VinMart trong vòng 5 năm tới.

Cùng với thời gian trên, Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tối thiểu đạt 2.000 điểm bán và doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm.

Nói đến thị trường bán lẻ không thể không nhắc tới khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam, cho biết kế hoạch đến năm 2025 sẽ phát triển lên 25 trung tâm thương mại.

 

"Với việc tăng các trung tâm thương mại, khách hàng sẽ đến Aeon nhiều hơn. Chúng tôi đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới", ông Shiotani chia sẻ.

Hay mới đây, MUJI - thương hiệu Nhật Bản lâu đời về các sản phẩm gia dụng và đời sống, cũng mở cửa hàng đầu tiên của Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minhvới diện tích 2.000m2. Đại diện thương hiệu này cho biết, sắp tới sẽ mở thêm cửa hàng tại TP.Hà Nội.

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, sau khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt năm 2009 ký cam kết nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào thị trường bán lẻ dưới 2 hình thức là liên doanh với đối tác Việt Nam và thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài thì số lượng vốn đầu tư và dự án vào ngành bán lẻ tăng lên rõ rệt. Các quốc gia có vốn đầu tư nhiều vào ngành bán lẻ Việt Nam là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Trung Quốc...

Tìm hướng đi mới

"Sự hiện diện tích cực của nhà phân phối bán lẻ lớn nhất thế giới đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan trong các lĩnh vực kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong vai trò là thị trường bán lẻ, cũng như nguồn cung quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hảiđánh giá.

 

Còn theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nielsen miền Bắc, hiện nay, hàng hóa tiêu thụ nhanh được bán nhiều hơn ở kênh hiện đại. Tốc độ tăng trưởng ở kênh này từ tháng 9/2019 - 9/2020 phát triển rất mạnh.Đối với các nhà bán lẻ, việc hiểu được thói quen, thay đổi hành vi của người tiêu dùng là điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Bộ Công Thương dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) sẽ đạt khoảng từ 9-9,5%/năm.

Tất nhiên, với việc nhiều doanh nghiệp tham gia thì sức cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng để giành được thị phần, doanh nghiệp bán lẻ nội địa cần phải tích cực, chủ động thường xuyên đổi mới, để tạo khác biệt. Nếu liên tục đổi mới, sáng tạo, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tìm ra con đường tốt nhất cho mình trong quá trình hội nhập cạnh tranh.

Thực tế, sự phát triển của các chuỗi cửa hàng bán lẻ nước ngoài đến từ châu Âu, Mỹ, và gần đây là Hàn Quốc, Nhật Bản... hiện nayrất mạnh. Theo lo ngại của một số chuyên gia kinh tế, nếu để cho ngành sản xuất hàng tiêu dùng "chết" thì sẽ kéo theo ngành bán lẻ cũng sẽ mất vào tay nước ngoài.

Để khắc phục những hạn chế trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các giải pháp như phát triển thương mại nội địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa như tập trung phát triển thương mại nội địa.

 

Đồng thời, Bộ tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối, thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.

Có thể nói, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Tính cạnh tranh trong thị trường cũng vì vậy mà ngày một khốc liệt hơn. Với một số thương hiệu đó là sự tăng trưởng số lượng cửa hàng, số khác lại phải đối mặt với việc tái cấu trúc để trụ vững ở thị trường này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm