Cơ hội nào cho cá tra trên sân nhà?
Cá tra Việt Nam: Rộng đường vào thị trường Hoa Kỳ / Xuất khẩu cá tra 10 tháng: Thị trường Trung Quốc tiếp tục "cứu" doanh nghiệp
Khi được hỏi vì sao lại muốn đưa cá tra trở lại thị trường nội địa trong khi việc xuất khẩu (XK) có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn, ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), cho rằng việc mang con cá tra “hồi hương” vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) Việt.
Nhu cầu bức thiết
“Lâu nay, chúng ta chỉ chăm chăm đến việc XK và khi việc XK gặp vấn đề khó khăn hoặc “dội chợ” vì thừa sản lượng, thì rõ ràng con cá tra rất bấp bênh và mỏng manh. Do đó, thị trường nội địa cần phải được nghĩ là một nhu cầu bức thiết, vừa mang đến sự bền vững cho ngành hàng cá tra Việt”, ông Thiện chỉ rõ.
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho thấy XK cá tra trong năm 2019 ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm 2018.
Sản lượng cá tra tăng từ năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến dư thừa nguồn cung, một số hộ nuôi tôm gặp khó chuyển sang nuôi cá tra, dẫn đến giá cá nguyên liệu và giá XK giảm trong thời gian gần đây.
Theo Vasep, XK cá tra sang thị trường Mỹ trong năm 2019 sụt giảm mạnh 49% còn 282 triệu USD, do lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu nhập khẩu giảm, giá XK trung bình bị ép xuống mức thấp hơn 30 – 35% so với năm 2018.
Năm 2019, Mỹ chỉ còn chiếm 14% giá trị cá tra XK của Việt Nam, tụt xa so với vị thế số 1 của Trung Quốc (chiếm trên 32%). Hơn nữa, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 ở mức cao khiến cho các DN khó thâm nhập thị trường.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep, cho biết trong vấn đề đối phó và xử lý truyền thông bôi nhọ ở nước ngoài đối với XK thuỷ sản, sản phẩm bị bôi nhọ nhiều nhất là cá tra.
Nhìn một cách thực tế, các con số về XK cá tra trên các thị trường luôn được cập nhật thường xuyên, nhưng trong hoạt động tiêu thụ cá tra Việt tại thị trường nội địa thì khó tìm ra con số thống kê chuẩn xác, dù biết rằng sản lượng và giá trị còn khá khiêm tốn nếu so với XK.
Tại một sự kiện thu hút đông đảo giới DN thực phẩm ở Tp.HCM tham gia cuối tuần qua có tên gọi là “Buffet cá tra 2020” với 40 món ngon, lạ được chế biến từ nguồn nguyên liệu cá tra, vấn đề tìm chỗ đứng cho cá tra trên “sân nhà” lại được đặt ra.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food, cho rằng việc sử dụng cá tra để chế biến nhiều món ăn ngon đã được khẳng định rất nhiều rồi, thế nhưng lâu nay với thị trường nội địa thì vẫn chưa có “duyên”. Vì vậy, DN rất muốn có thêm nhiều ý tưởng để chế biến cá tra.
Chờ nhiều kênh phân phối
Dự báo tổng nhu cầu nguyên liệu thủy sản cho chế biến đến năm 2020 ở Việt Nam vào khoảng trên 6 triệu tấn, riêng sản phẩm cá các loại là 4.172.000 tấn, chiếm khoảng 68,62%, trong đó nguồn nguyên liệu từ cá tra chiếm tỷ lệ khá lớn.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ cá tra chế biến ở ngay thị trường trong nước lại chưa nhiều vì nhiều người vẫn nghĩ cá tra nuôi không sạch, khiến cho các DN trong ngành hàng cá tra còn băn khoăn trong chuyện “hồi hương”, dù rằng cá tra được người tiêu dùng các nước rất ưa chuộng và đạt chuẩn.
Khi cá tra XK bán ở nước ngoài qua kênh siêu thị có giá không hề rẻ. Cũng nhờ có kênh XK này mà chất lượng cá tra được kiểm soát triệt để, đạt các chỉ tiêu XK.
Điển hình là hồi quý IV/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong việc nuôi cá tra Việt Nam là tương đương với tiêu chuẩn của Mỹ, sau 3 năm liên tiếp kiểm tra giám sát nghiêm ngặt việc nuôi cá ở Việt Nam.
Cần nhìn nhận cá tra hiện nay được nuôi rất sạch, sạch hơn tất cả các loại cá khác, thậm chí còn sạch hơn các loại động vật từ thiên nhiên. Lý do là môi trường tự nhiên ít nhiều đã bị ô nhiễm, các loại động vật tự nhiên chắc chắn bị ảnh hưởng. Trong khi đó, cá tra được kiểm soát rất chặt trong quá trình nuôi và đối chiếu tiêu chuẩn an toàn của Mỹ.
Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc một khu du lịch ở Tp.HCM, cho biết đã thử đưa món cá tra vào thực đơn buffet nhà hàng, chế biến đủ món ngon, khi khách đã quen ăn thì lại không có đủ cá tra để bán vì chưa có nhiều kênh phân phối.
Theo ông Long, để nhiều người cùng biết, nhiều người cùng ăn thì cần mở rộng kênh phân phối để cá tra đến được tay người tiêu dùng Việt. Chẳng hạn như ở các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có sẵn thì sẽ đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.
Còn ở góc độ DN, ông Phạm Minh Thiện cho biết trong thời gian tới, trước mắt sẽ đưa sản phẩm cá tra tiêu thụ ở thị trường Tp.HCM dựa trên các phân khúc khách hàng khác nhau với hy vọng con cá tra được mỗi một phía chấp nhận là một niềm vui cho DN khi chọn sân chơi trên “sân nhà”.
“Và chúng tôi muốn mang cá tra đến phân khúc đông đảo người tiêu dùng Việt nhất, có thể tiếp cận và đánh giá được chất lượng, giá trị của cá tra Việt như thế nào”, ông Thiện chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều