Thị trường

Cơ hội thực hiện khát vọng đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê thế giới

DNVN - “Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023” sáng 11/3 trong khuôn khổ “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023” là cầu nối thiết thực để các doanh nghiệp thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác, góp phần hiện thực hoá khát vọng đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê thế giới.

Hấp dẫn “Simexco Coffee Tour” tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 / Cà phê Việt với hành trình kiến tạo di sản văn hoá thế giới

Phát biểu khai mạc “Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023”, ông Nguyễn Tuấn Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về phát triển nông nghiệp với diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha, xếp thứ 4 cả nước.

Trong đó, diện tích đất nông nghiệp hơn 627.000 ha lớn nhất cả nước, quỹ đất đỏ bazan chiếm khoảng 40% diện tích với điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cây cà phê, cây cao su, hồ tiêu, sầu riêng, bơ…

Đắk Lắk có diện tích cây cà phê khoảng 210.000 ha, sản lượng bình quân hơn 550.000 tấn, cao nhất cả nước với lượng cà phê xuất khẩu hơn 380.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 800 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.

Ông Nguyễn Tuấn Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, Đắk Lắk sở hữu tiềm năng lớn về diện tích, sản lượng, chất lượng cùng nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê. Ảnh: Hà Anh

Sau hơn 100 năm du nhập vào Đắk Lắk từ những năm đầu của thế kỷ 19, với những điều kiện thuận lợi do thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, Đắk Lắk là địa phương đặc biệt thích hợp với cây cà phê, cây trồng chủ lực và mang tính đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk.

Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng bạ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột (nay là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột) và được bảo hộ tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Đắk Lắk sở hữu tiềm năng lớn về diện tích, sản lượng, chất lượng cùng nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê khi hiện nay nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư các cơ sở chế biến, cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ cà phê.

Qua đó, góp phần nâng cao giá trị và tăng thêm sự phong phú cho mặt hàng cà phê bên cạnh việc duy trì hoạt động xuất khẩu cà phê nhân truyền thống, từng bước nâng cao số lượng và chất lượng xuất khẩu cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản của tỉnh, đưa cà phê Đắk Lắk nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng ngày ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ cà phê thế giới.

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tin tưởng hội nghị sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện khát vọng đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê thế giới. Ảnh: Hà Anh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn cầu hoá hiện nay, diễn biến tình hình thế giới biến chuyển khó lường, Việt Nam cần có nhưng thay đổi liên tục để thích ứng tình hình đó.

“Hoạt động kinh doanh, xuất khẩu nông sản hay mặt hàng cà phê nói riêng không chỉ là câu chuyện buôn bán thông thường về giá cả hay hương vị, mà còn thể hiện rằng giá trị cà phê, nông sản Việt đã và đang vươn xa, tiếp cận được đến những miền đất mới”, ông Hà nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Kinh doanh không chỉ là câu chuyện mua bán sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Người sản xuất, cũng đồng thời là người bán, trước hết, phải trân quý, nâng niu sản phẩm mình dày công tạo ra, thì người mua - người tiêu dùng cũng sẽ trân quý và sẵn lòng chi trả mức giá tương xứng.

Cà phê hay bất kỳ ngành hàng nông sản nào khác, bắt đầu được tạo dựng từ những giá trị hữu hình lẫn vô hình như vậy. “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” là thông điệp xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam mà cà phê là mặt hàng chủ lực trên thị trường thế giới.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tin tưởng: “Hội nghị sẽ là cầu nối thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác, các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng cà phê lớn trên toàn cầu. Từ đó thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung đẩy mạnh tiêu thụ góp phần hiện thực hoá đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê thế giới”.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm