Thị trường

Cuộc chơi lớn từ hội nhập, điểm sáng mới

Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giơ cao chiếc búa nhận chuyển giao từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN đã gửi đi thông điệp đầy ý nghĩa của Việt Nam trong năm 2020. Với vai trò “kép” khi vừa đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN luân phiên...

Chuẩn bị tốt cho thị trường EU / Thực thi EVFTA: Nhà nước, doanh nghiệp chung tay

Dấu ấn trong hội nhập khu vực và toàn cầu

Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của năm ASEAN 2020 đã thể hiện tinh thần chủ động hội nhập của Việt Nam không chỉ trên cương vị Chủ tịch ASEAN lần thứ 2, mà còn với vai trò là một trong những thành viên luôn dẫn đầu trong hội nhập khu vực và thế giới.

Đây cũng là tâm thế của người tiên phong trong thích ứng một cách chủ động, tích cực và hiệu quả trước các biến động nhanh và nhiều bất định của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên ở quy mô toàn cầu.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực.

Bên cạnh mục tiêu lớn, tổng thể được đặt ra là nâng cao năng lực của các nước thành viên, cũng như toàn khối ASEAN thông qua việc gắn kết chặt chẽ, toàn diện giữa các nước thành viên trong cộng đồng để đứng vững trước các tác động của tình hình khu vực và thế giới mà Việt Nam kỳ vọng thực hiện trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Với việc tăng cường tham gia hội nhập sâu rộng với cộng đồng ASEAN thông qua liên kết kinh tế nội khối và các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác từ trước tới nay, Việt Nam được đánh giá là có cơ hội tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường trong và ngoài khu vực.

Cùng với đó là tăng cường thu hút đầu tư và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế trên mặt trận kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế, liên khu vực và mở rộng ra quy mô toàn cầu.

Theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), trong bối cảnh này, cùng với các lợi thế đang có nhờ một loạt hiệp định thương mại (FTA) đã và chuẩn bị đi vào thực thi, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năm 2020 là giai đoạn hết sức quan trọng bởi Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển, hội nhập sâu rộng vào khu vực cũng như thế giới.

 

“Việt Nam cần tận dụng triệt để những lực đẩy này, phát huy những điểm sáng kinh tế năm 2019, từ đó tạo "bệ phóng" vững chắc để phát triển kinh tế năm 2020 và những năm tới”, JCCI nhấn mạnh.

Bước tiến từ các FTA thế hệ mới

Trên lĩnh vực kinh tế, tiến trình hội nhập của Việt Nam trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều bước tiến lớn với việc tham gia ngày càng sâu rộng vào các định chế hợp tác toàn cầu.

Việc tham gia vào hàng loạt FTA và các định chế hợp tác khu vực, liên khu vực đã đánh dấu bước ngoặt mới trong hành trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, việc chủ động tham gia mạnh mẽ vào các FTA thế hệ mới trong thời gian gần đây đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Theo số liệu thống kê chính thức, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Việt cũng chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA ngoài khuôn khổ của thành viên ASEAN với mức độ cam kết trong các hiệp định cũng ngày càng sâu rộng hơn.

Đặc biệt là ký kết 2 hiệp định CPTPP và EVFTA được đánh giá là những FTA thế hệ mới lớn nhất và có nhiều khác biệt so với các FTA khác từ trước tới nay mà Việt Nam tham gia.

Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các FTA trước đây, trong đó bao gồm nhiều cam kết nằm bên trong đường biên giới, hai hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động sâu rộng tới nội tại nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội - NCIF), CPTPP và EVFTA có lĩnh vực cam kết rất rộng, không chỉ nằm trong lĩnh vực trao đổi, xuất nhập khẩu, mà còn liên quan đến cách thức sản xuất hàng hóa.

 

Nhờ đó, khi đưa vào thực thi, hai FTA này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, góp phần tăng xuất khẩu vào các thị trường của đối tác, tăng đầu tư vào các lĩnh vực thượng nguồn nhằm khai thác một cách tối ưu cam kết về tỷ lệ xuất xứ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan đi cùng với các cam kết về tỷ lệ nội địa hóa cũng được kỳ vọng sẽ làm tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài do các quốc gia khác muốn tận dụng lợi thế thuế quan trong xuất khẩu sang các nước đối tác.

EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến sẽ tăng 44,4%.

Ở đây, tác động của gia tăng dòng vốn đầu tư sẽ góp phần làm tăng GDP và xuất nhập khẩu, từ đó kích thích doanh nghiệp cải thiện công nghệ và năng suất nhằm tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu và doanh nghiệp.

 

Cải thiện năng suất của doanh nghiệp sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng.

Cùng với đó, các FTA này tác động tích cực tới lao động, trong đó những ngành thâm dụng lao động dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều.

Ngoài ra, tác động từ CPTPP và EVFTA còn có thể đến từ việc tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, từ đó kỳ vọng tạo ra tác động tích cực trong trung và dài hạn, tạo nên một chuỗi tuần hoàn tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh từ thấp đến cao.

Với các tác động sâu rộng theo chuỗi tuần hoàn, dự báo của NCIF cho thấy, EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến sẽ tăng thêm 44,4%; xuất khẩu sang các nước CPTPP đến năm 2035 tăng 14,3%, mở ra một bước phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần mang lại tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

 

Cuộc chơi lớn bắt đầu

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội có triển vọng mang lại bước tiến dài cho nền kinh tế, vẫn còn đó hàng loạt thách thức từ hội nhập đang đặt ra, đòi hỏi nội tại nền kinh tế phải có những nỗ lực thực sự hữu hiệu để vượt qua.

Nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài với độ mở đã ở mức rất cao, khoảng 190% GDP và đang tiếp tục gia tăng.

Cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu còn mất cân đối lớn về thị trường, vẫn phụ thuộc lớn vào một số thị trường và đối tác; thặng dư thương mại với Hoa Kỳ gia tăng làm tăng rủi ro đối diện với nhiều nguy cơ, trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc chưa được cải thiện.

Trước bối cảnh năm 2020, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ diễn biễn phức tạp, khó lường.

 

Trong đó, những căng thẳng, xung đột chính trị, thương mại giữa các cường quốc và trên quy mô toàn cầu vẫn là những thách thức khó đoán định, đang làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang chững lại.

Theo đó, nền kinh tế định hướng xuất khẩu với độ mở rất cao như Việt Nam càng dễ bị tác động, dẫn tới tổn thương.

Trong sân chơi lớn mang tính 2 mặt của hội nhập khu vực và toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần xác định cho mình những mục tiêu rõ ràng để chủ động hội nhập với tâm thế tích cực, hạn chế được các tác động tiêu cực.

“Việt Nam cần tham gia chủ động, xác định rõ mục tiêu các FTA sắp tới, lấy chất lượng hội nhập làm đòn bẩy, đặt trọng tâm vào nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị của hàng xuất khẩu và tận dụng các FTA để cải cách, hiện thực hoá các cơ hội, giảm thiểu rủi ro”, TS. Thắng khuyến nghị.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm