Thị trường

Đà Nẵng: Giá cả hàng hóa bình ổn, lượng đặt hàng online tại các siêu thị tăng gấp 3 lần

DNVN - Mặc dù dịch COVID-19 tái bùng phát nhưng việc dự trữ và lưu thông hàng hóa được chính quyền TP ưu tiên đảm bảo thông suốt. Lượng hàng hóa tại các chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với giá cả bình ổn. Lượng đặt hàng online đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Xây dựng phương án kiểm tra học kỳ II năm học 2020 - 2021 qua Internet

Giá cả ở các chợ bình ổn

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam sáng 12/5, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho hay, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-10 đang có những diễn biến phức tạp nhưng theo khảo sát mới nhất của Sở tại 4 chợ lớn trên địa bàn thuộc Sở quản lý (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường) thì đến chiều qua 12/5, tình hình thị trường Đà Nẵng vẫn giữ mức ổn định, giá cả không thay đổi so với các ngày trước đó.

Khách đến mua sắm tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19

Khách đến mua sắm tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Để xác thực thêm thông tin này, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã tìm hiểu thực tế tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố. Theo Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng Mai Phước Ba cung cấp bảng số liệu trong hai ngày 11 - 12/5 cho thấy tại 4 chợ lớn nêu trên, mặt hàng thịt heo ổn định, mức thịt heo mông và vai 130.000 - 150.000 đồng/kg, thịt heo ba chỉ 160.000 - 170.000 đồng/kg.

Các mặt hàng thịt gia súc gia cầm, cá ổn định. Giá các sản phẩm rau hành, lagim ổn định, trái cây ổn định. Sản lượng rau, củ, quả các loại về chợ Đầu mối Hòa Cường ngày 11/5 là rau hành, laghim 110 tấn, trái cây: 256 tấn; ngày 12/5 rau hành, laghim 120 tấn, trái cây 288 tấn... Các mặt hàng khác giá cũng ít thay đổi.

Ông Mai Phước Ba cho hay, công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa tại 4 chợ lớn ở Đà Nẵng luôn được duy trì. Tất cả các mặt hàng hóa nhu yếu phẩm cung ứng và dự trữ bình thường, không biến động. Qua khảo sát các hộ kinh doanh thì khả năng cung ứng hàng hóa, nguồn hàng hóa từ các đơn vị cung cấp luôn dồi dào, kịp thời cung ứng cho người tiêu dùng khi cần thiết.

“Một số ít người đi chợ có tâm lý dự trữ hàng hóa trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó đa phần họ mua nhiều hơn số thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng vì mua 1 ngày dùng trong 3 ngày (theo phân chia tần suất đi chợ). Tuy nhiên theo báo cáo của các hộ kinh doanh thì có khả năng cung ứng lượng hàng hóa gấp 3-5 lần tổng dự trữ hàng hóa của họ. Điều này góp phần giữ bình ổn giá rất tốt ở các chợ Đà Nẵng trong điều kiện dịch bệnh!” - Ông Mai Phước Ba cho hay.

Lượng đặt hàng online tăng gấp 3 lần

Theo ghi nhận, từ ngày 8/5, TP Đà Nẵng thực hiện phương án của Sở Công Thương về phân chia tần suất đi chợ (3 ngày đi chợ 1 lần) để phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn có tăng lên, người dân mua nhiều sản phẩm hơn so với ngày thường.

Giá cả hàng hóa ở các chợ Đà Nẵng bình ổn, không có biến động dù tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp

Giá cả hàng hóa ở các chợ Đà Nẵng bình ổn, không có biến động dù tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.

Ông Lê Quang Thanh, Phó Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng cho biết, các mặt hàng được mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau củ, trái cây…), sữa tươi, nước khoáng, mì tôm, các loại dung dịch sát khuẩn… Lượng hàng hóa cung ứng tại trung tâm thương mại, siêu thị vẫn ổn định, so với ngày trước, hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả ổn định đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

“Công tác phòng chống dịch COVID-19 được người dân nghiêm túc thực hiện, không còn cảnh đổ xô đến các trung tâm thương mại, siêu thị… mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ. Đáng chú ý, nhiều người gọi điện, qua Facebook, Zalo của siêu thị để đặt hàng, lượng đặt hàng online trong những ngày gần đây tăng 15 – 20% so với trước đây!” – Ông Lê Quang Thanh cho hay.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn đã chủ động đẩy mạnh kênh bán hàng online giao hàng tận nhà phù hợp với tình hình hiện nay và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Theo báo cáo của các đơn vị thì lượng đặt hàng online đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

Nhằm giúp người dân có nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu có thể đặt hàng qua điện thoại, đặt hàng trực tuyến, Sở Công Thương Đà Nẵng đã công bố danh sách các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và suất ăn công nghiệp trên địa bàn TP.

Việc lập danh sách các đơn vị cung ứng, giao hàng tận nhà đã góp phần giảm thiểu tần suất đi lại của người dân trong việc mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; qua đó cũng tham gia đáng kể vào việc hạn chế nguy cơ lây nhiêm COVID-19 trong cộng đồng.

Lượng hàng ở các trung tâm thương mại, siêu thị dồi dào, nhiều chương trình bình ổn giá được áp dụng

Lượng hàng ở các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng dồi dào, nhiều chương trình bình ổn giá được áp dụng

Nhiều chương trình ưu đãi bình ổn giá

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ cho biết thêm, theo thông tin thu thập được thì các đơn vị cung ứng trên địa bàn đã dự trữ lượng hàng hóa tăng khoảng 20 – 40% so với lúc bình thường. Sở Công Thương Đà Nẵng cũng có nhiều văn bản gởi các quận, huyện thông báo cho người dân biết tình hình hàng hóa trên địa bàn được dự trữ rất đầy đủ.

“Sở Công Thương đề nghị các quận, huyện chú ý kiểm tra nhắc nhở phòng chống dịch tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Do phân chia tần suất đi chợ, nên người dân đã đến đây nhiều hơn, vì vậy công tác phòng chống dịch COVID-19 tại đây cũng cần được chú trọng hơn nữa!” – Ông Nguyễn Văn Trừ nói.

Được biết, để góp phần bình ổn thị trường trong thời điểm dịch bệnh, nhiều đơn vị đã triển khai các giải pháp như đảm bảo ổn định giá như ngày thường, triển khai các chương trình ưu đãi. Điển hình như Coopmart Đà Nẵng phối hợp với nhà cung cấp giảm giá ngay 10.000 sản phẩm nhu yếu để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.

Cụ thể, từ nay đến hết ngày 19/5, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra của Saigon Co.op sẽ luân phiên giảm giá từ 20% đến 50% cho 10.000 sản phẩm nhu yếu gồm một số loại sữa, dầu ăn, đường, mì ăn liền, thịt heo, thủy hải sản, rau củ quả, đồ dùng gia đình,… Các sản phẩm này được bố trí giảm giá luân phiên theo nhóm và trải đều trên các ngày trong tuần để khách thuận lợi mua sắm.

Tăng cường dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19

Ngày 10/5, Sở Công Thương Đà Nẵng đã có Công văn số /SCT-QLTM gửi UBND các quận, huyện; Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng; các Trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp, cơ sở cung ứng hàng hóa; Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng về việc tăng cường dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ và doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn tăng cường dự trữ hàng hóa (ít nhất gấp 3 lần so với ngày thường), nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để cung ứng cho nhu cầu của nhân dân cũng như phục vụ công tác huy động của TP trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát và TP thực hiện cách ly diện rộng.

Đồng thời cập nhật danh mục, giá trị và số lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 hiện đang dự trữ và khả năng cung ứng cho thị trường TP để Sở Công Thương Đà Nẵng xây dựng phương án cung ứng hàng hóa theo các kịch bản ứng phó, phòng chống dịch COVID-19.

Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng thường xuyên theo dõi sản lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa… đánh giá tình hình biến động về giá cả, sức mua của người dân tại các chợ thuộc quản lý, báo cáo hàng ngày về Sở Công Thương tổng hợp, theo dõi.

Đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng, BQL các chợ kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; đồng thời theo dõi, giám sát hàng hóa tại chợ, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm trường hợp tiểu thương có hành vi găm hàng chờ tăng giá hoặc lợi dùng tình hình dịch bệnh để nâng giá bán cao hơn giá hàng ngày làm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng.

Đề nghị Cục QLTT Đà Nẵng phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc mua bán hàng hóa trên thị trường, trong đó tập trung kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng… gây bất ổn giá thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trên địa bàn.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm