Thị trường

Đà Nẵng: Không để xảy ra thiếu hàng hoá, tăng giá đột biến

DNVN - UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng để chủ động phương án, biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong các tháng còn lại năm 2022.

Chính thức ra mắt MV “Chào Đà Nẵng” / Đón chuyến bay thương mại đầu tiên từ Hàn Quốc trở lại Đà Nẵng sau dịch

Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa có Công văn 2372/UBND-STC triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo 81/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về tăng cường công tác điều hành giá các tháng còn lại trong năm 2022.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong các tháng còn lại của năm 2022

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong các tháng còn lại của năm 2022.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Công Thương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hành thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng (lương thực, thực phẩm…) để chủ động phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. UBND TP chỉ đạo, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, mùa mưa lũ và trong bối cảnh dịch bệnh.

Đồng thời chỉ đạo Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng tăng cường theo dõi diễn biến giá cả, bình ổn thị trường tại các chợ thuộc đơn vị quản lý. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP và các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 TP trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trong đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về niêm yết giá, các trường hợp đầu cơ ép giá, găm hàng gây bất ổn thị trường. Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Đối với Cục QLTT TP, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch kiểm tra thị trường đã được xây dựng. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Tài chính, Sở Công Thương… tập trung thực hiện việc kiểm tra bình ổn giá. Trong đó, chú trọng nhóm mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, thiên tai, nhóm mặt hàng phục vụ năm học mới, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, gas…

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình giá cả thị trường trên địa bàn TP, đặc biệt là giá cả các mặt hành chịu ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá cả trong dịp lễ, tết. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt của người dân. Tăng cường công tác quản lý kê khai giá, kịp thời tham mưu UBND TP bổ sung mặt hành thuộc diện kê khai giá.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (CPI) trên địa bàn TP tháng 4/2022 tăng 0,86% so tháng trước, tăng 2,65% so với tháng cùng kỳ và tăng 3,82% so với tháng 12/2021. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 0,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Trong mức tăng 0,86% của chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng có mức giá ổn định.

Cụ thể các nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước, bao gồm: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+3,34%); đồ uống và thuốc lá (+1,04%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng (+1,00%); may mặc, mũ nón, giày dép (+0,71%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng (+0,45%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,15%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,12%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,11%).

Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định, giá gas tăng theo chính sách điều chỉnh giá gas thế giới; giá nhà ở cho thuê tăng; giá dịch vụ giao thông tăng do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao qua các tháng… là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI trên địa bàn TP Đà Nẵng tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 tăng.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm