Đà Nẵng lo thiếu nước sinh hoạt vì… thừa điện mặt trời!
CDC Đà Nẵng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 người đến từ Hải Dương, Quảng Ninh / Đà Nẵng: Xử lý cơ sở lưu trú du lịch không đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19
Nước ở các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang rất dồi dào
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có Công văn 653/UBND-STNMT (ngày 2/2) gửi chủ các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đắk Mi 4 (ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam) và Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) yêu cầu phối hợp ứng phó với xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng, không để xảy ra tình trạng thiếu nước trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Bảng so sánh, đối chiếu để thấy nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hiện rất dồi dào.
Tuy nhiên những tháng cuối năm 2020 ở Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung – Tây Nguyên liên tiếp xảy ra mưa bão, lũ lớn nên lượng nước về các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam) rất dồi dào, thậm chí nhiều thủy điện có những thời điểm phải xả bớt nước để tránh nguy cơ vỡ đập.
"Theo dõi số liệu nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện trong 3 (năm) năm gần nhất vào cùng thời điểm ngày 1/2 cho thấy liên tục trong các năm 2019 - 2020, hồ A Vương đều thiếu hụt nước nghiêm trọng. Các hồ Đăk Mi 4, Sông Bung 4 ở mức vừa đủ đáp ứng theo quy trình hoặc chênh lệch chút ít. Tuy nhiên bước vào năm 2021, nguồn nước tại các hồ chứa nêu trên đều rất dồi dào.
Căn cứ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành tại Quyết định 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quy trình 1865), đối chiếu với hiện trạng, số liệu cập nhật ngày 1/2/2021 cho thấy tình hình nguồn nước tại các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hiện đảm bảo, các hồ đều đã tích nước đáp ứng theo quy định” - bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng) cho biết.
Cụ thể, mực nước tại hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 thời điểm ngày 1/2/2021 là 257,63m, tương ứng với dung tích còn lại của hồ so với mực nước chết là 154,43 triệu m3. Mực nước tại hồ chứa thủy điện A Vương là 379,24m, tương ứng với dung tích còn lại của hồ so với mực nước chết là 259,80 triệu m3. Mực nước tại hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 là 221,33m, tương ứng với dung tích còn lại của hồ so với mực nước chết là 215,69 triệu m3.
Đồng thời ghi nhận của Sở TN-MT Đà Nẵng cũng cho thấy, vào dịp Tết âm lịch Canh Tý năm 2020, tình hình xâm nhập mặn đã xuất hiện từ rất sớm tại cửa thu nước Cầu Đỏ trên sông Cầu Đỏ - là nguồn cung cấp nước thô chủ yếu cho Dawaco sản xuất nước sạch phục vụ cho hơn 1 triệu dân TP Đà Nẵng; có thời điểm độ mặn lên tới 1.000 mg/lít. Tuy nhiên trong tháng 01/2021 không xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ.
Thủy điện kêu khó khăn, vướng mắc vì điện mặt trời
Với tình hình nguồn nước đang rất dồi dào như nêu trên, câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao Đà Nẵng vẫn phải lo lắng xảy ra xâm nhập mặn có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn nước thô sản xuất cấp nước cho sinh hoạt, và các hoạt động khác trên địa bàn TP trong mùa cạn vào dịp Tết Tân Sửu 2021? Thật bất ngờ, câu trả lời không nằm ở nguồn nước mà lại nằm ở… điện mặt trời!
Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh, hiện các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy trình 1865. Cụ thể, theo thông tin tại Hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 12/1/2021 cho thấy đã, đang và sẽ tiếp tục cắt giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn.
Đặc biệt, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị điều chỉnh giờ phát của các thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung, sang các giờ khác và tránh khung giờ từ 11h trưa đến 1h chiều vốn là thời gian bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày.
Do vậy, ngày 22/1/2021, ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung đã có Công văn số 61/TĐSB-KTAT gửi Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) báo cáo về những khó khăn trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Có những lo lắng về việc điện mặt trời phát triển quá nhanh gây khó khăn, thiệt hại cho thủy điện, dẫn tới thiếu hụt nguồn nước xả về hạ du.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, theo cơ chế khuyến khích phát triển của nhà nước, nhiều nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành, không tham gia trực tiếp trong thị trường phát điện cạnh tranh, được ưu tiên phát điện lên hệ thống điện với công suất đỉnh thường rơi vào thời điểm bức xạ mặt trời cao nhất trong ngày từ khoảng 9h sáng đến 14h chiều.
Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 làm cho phụ tải hệ thống điện tăng trưởng chậm, trong khi nguồn điện mặt trời lại tăng công suất rất nhanh, nhiều thời gian buổi trưa có thể chiếm đến gần 50% công suất hệ thống điện, dẫn đến gây khó khăn cho các nguồn điện khác.
“Các nguyên nhân trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành các tổ máy của Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 vào khoảng thời gian từ 9h sáng đến 14h chiều, gây rất nhiều khó khăn trong việc vận hành cấp nước hạ du hàng ngày trong khoảng thời gian này.
Nhà máy nhiều khi phải kéo dài thời gian liên tục chạy máy phát điện từ 14h đến 2-3h sáng hôm sau để đủ chu kỳ 12h/ngày theo Quy trình 1865” – Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản báo cáo và kiến nghị Cục Quản lý tài nguyên nước xem xét, chỉ đạo.
Đà Nẵng lo thiếu nước nếu thủy điện không xả nước phát điện
Trước những diễn biến này, ngày 2/2/2021, lãnh đạo Sở TN-MT Đà Nẵng đã có Công văn số 100/BC-STNMT báo cáo tình hình cho UBND TP Đà Nẵng để có biện pháp chủ động ứng phó với xâm nhập mặn tại cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ trên sông Cầu Đỏ nhằm đảm bảo cấp nước an toàn trong dịp Tết Tân Sửu 2021 trên địa bàn.
“Ở miền Trung mà cụ thể là trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, hầu hết các thủy điện chỉ ở quy mô nhỏ nên cơ cấu đóng góp cũng rất nhỏ so với tổng công suất thủy điện chung cả nước. Do đó việc họ có phát điện hay không, chúng tôi thấy không ảnh hưởng lớn lắm đến nguồn cung toàn hệ thống điện cả nước. Nhưng chính vì vậy, nếu không có sự điều tiết hợp lý giữa điện mặt trời và thủy điện, và nếu thiếu giám sát thì có thể các thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ không phát điện theo đúng quy định của Quy trình 1865.
Nguyên do là nếu phát điện vào giờ thấp điểm thì giá thấp và sẽ thiệt hại cho các thủy điện. Nhưng nếu họ không xả nước phát điện thì ở hạ du sẽ thiếu nước và bị xâm nhập mặn. Chúng tôi đang lo do thừa nguồn điện mặt trời và giảm nhu cầu sử dụng điện vì dịch Covid-19, các thủy điện sẽ không xả nước phát điện, nên đã tham mưu lãnh đạo Sở có Công văn 100/BC-STNMT ngày 2/2/2021 báo cáo UBND TP!” - bà Đặng Nguyễn Thục Anh cho biết.
Nhận thấy tính cấp bách của vấn đề, ngay trong ngày 2/2/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có Công văn 653/UBND-STNMT yêu cầu chủ các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Đắk Mi 4 và Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng phối hợp ứng phó với xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng, không để xảy ra thiếu nước trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
Theo đó, để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn nước trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu chủ các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đắk Mi 4 thực hiện vận hành cấp nước cho hạ du trong mùa cạn vào dịp Tết Tân Sửu 2021 đảm bảo đúng theo Quy định tại Quy trình 1865 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/12/2019.
Trường hợp khẩn cấp xảy ra thiếu nước trên địa bàn TP Đà Nẵng khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ duy trì liên tục ở mức lớn hơn 1.000 mg/l, các đơn vị nêu trên được yêu cầu thực hiện phối hợp vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia theo điều hành của người được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ủy quyền là ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo