Thị trường

Đà Nẵng: Nhu cầu thực phẩm tươi sống tăng mạnh trước thời điểm giãn cách xã hội

DNVN - Từ ngày 12/8 đến nay, tại các siêu thị và chợ truyền thống ở TP Đà Nẵng lượng khách mua hàng tăng mạnh do người dân chuẩn bị trước cho 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội. Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ có tăng, tại các siêu thị giá được giữ ổn định.

Cung cao hơn cầu, giá phân bón vẫn tăng phi mã: Chưa có lời giải thỏa đáng / Tiền Giang: Xem xét hoạt động lại một số chợ

Lượng mua hàng tăng mạnh
Theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, từ chiều ngày 12/8, sau khi lãnh đạo TP thông báo có kế hoạch triển khai biện pháp giãn cách xã hội trên toàn TP, người dân đã đi mua hàng tích trữ khá đông. Việc công bố trước thời điểm giãn cách xã hội cũng nằm trong kế hoạch triển khai của UBND TP để người dân có thời gian chuẩn bị nhằm giảm áp lực cho việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa.
Đại diện Sở Công Thương Đà Năng cho biết, tại các siêu thị và chợ truyền thống, từ ngày 12/8 đến nay, lượng mua hàng tăng mạnh, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ tăng hơn do nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn cung lấy từ các tỉnh khác lưu thông về chậm hơn, chi phí tăng. Tuy nhiên, giá mặt hàng này tại các siêu thị được giữ ổn định.

Người dân TP Đà Nẵng mua hàng hóa tại siêu thị trước thời điểm giãn cách xã hội. (Ảnh: Báo Công Thương)
Tại một số điểm bán hàng do người dân tập trung mua nhiều trong 1 thời điểm nên có hết hàng cục bộ. Tuy nhiên, ngay sau đó nguồn cung đã được bổ sung để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đến chiều ngày 14/8 sức mua đã ổn định hơn.
TP Đà Nẵng đã thông tin đến người dân, giãn cách xã hội là biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch bệnh sẽ tác động không nhỏ đến đời sống người dân, cuộc sống sẽ khó khăn hơn, việc ăn uống, sinh hoạt sẽ có nhiều bất tiện để người dân đồng lòng, chia sẻ.
Bảo đảm cung ứng hàng thiết yếu
Theo đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP hiện được cung cấp từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi hoặc từ Lâm Đồng (đối với hàng tươi sống) và từ các tỉnh phía Nam (đối với hàng khô). Mặc dù hàng khô từ các tỉnh phía Nam có thời gian cung ứng chậm hơn khoảng 2-3 ngày do các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nhưng do đã có kế hoạch từ trước nên về cơ bản, lượng hàng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tăng của người tiêu dùng.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho thị trường Đà Nẵng trong thời gian này, ngày 14/8, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn TP có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tăng lượng hàng hóa dự trữ để cung ứng cho các địa bàn dân cư. TP tổ chức các điểm bán hàng lưu động, triển khai các hoạt động bán hàng trực tuyến, phối hợp với các Tổ COVID cộng đồng, cung ứng hàng hóa theo đặt hàng của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã trao đổi và đề nghị Sở Công Thương Đà Nẵng cập nhật kế hoạch cung ứng, phân phối một số hàng hóa thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu và diễn biến mới.
Theo báo cáo của một số doanh nghiệp phân phối trên địa bàn TP Đà Nẵng, các đơn vị đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu để cung cấp trong 20 ngày đến 1 tháng nên hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong thời gian này.
Ngày 14/8, Tổ Công tác đặc biệt miền Bắc - miền Trung đã tham dự cuộc họp triển khai kế hoạch với UBND TP Đà Nẵng. Theo đó, Tổ đã góp ý kiến với TP xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến các tổ dân phố và có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Theo kế hoạch giãn cách của TP Đà Nẵng, người dân sẽ không được ra khỏi nhà trong 1 tuần (kể cả đi mua hàng hóa). Việc cung ứng hàng hóa được giao cho chính quyền tại từng quận, huyện (mỗi quận, huyện đều có các siêu thị, cửa hàng dược phẩm hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu). Việc mua hàng được đặt online hoặc đăng ký qua tổ dân phố.
Tại các tổ dân phố có Tổ COVID cộng đồng đảm trách việc cung ứng hàng hóa gồm khoảng 6-8 người, huy động từ Đoàn thanh niên hoặc Hội phụ nữ cung ứng hàng hóa cho 20-30 hộ dân của mỗi tổ. Những thành viên thuộc tổ cung ứng hàng hóa tại các tổ dân phố sẽ tiếp nhận nhu cầu của các hộ và chuyển đến các đơn vị cung ứng hàng hóa hoặc trực tiếp đi mua hộ người dân. Ngoài ra, TP Đà Nẵng đã có kế hoạch cung cấp gói lương thực, thực phẩm miễn phí cho 30.000 hộ nghèo trên địa bàn thành phố đủ để dùng trong 1 tuần thực hiện giãn cách (kinh phí được lấy từ nguồn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân tài trợ và đóng góp).
Theo đánh giá của Sở Công Thương Đà Nẵng, với kế hoạch cung ứng hàng hóa đã được chuẩn bị cùng với kinh nghiệm đã triển khai tại quận Sơn Trà, hàng hóa sẽ được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm