Thị trường

Hậu Giang: Nông thủy sản đến lứa thu hoạch, nông dân gặp cảnh khó bán

DNVN - Để hỗ trợ người dân, thời gian qua, Sở Công thương Hậu Giang và một số đơn vị liên quan của tỉnh đã tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các sở, ngành đăng ký thu mua nông sản là trái cây để giải cứu cho bà con.

TP Hồ Chí Minh: Xem xét mở lại chợ truyền thống, hình thành điểm bán nhỏ cung ứng hàng tươi sống / Sếp Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phủ nhận tình trạng hàng kém chất lượng bán tràn lan trên thương mại điện tử

Tuy giải pháp trên đang mang lại những hiệu quả tích cực nhưng số lượng trái cây đã được giải cứu chưa nhiều so với số lượng còn tồn đọng.

Theo ông Trần Chí Hùng- Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, để tăng số lượng nông sản của người dân trong tỉnh được giải cứu, giảm thiệt hại cho nhà vườn, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh tổ chức phát động các địa phương trong tỉnh tham gia thu mua giải cứu nông sản cho người dân. Tinh thần giải cứu nông sản là địa phương nào không có loại trái cây đang gặp khó về đầu ra thì tổ chức thu mua hỗ trợ cho bà con ở địa phương đang cần được giải cứu.

Hiện số lượng nhãn còn tồn đọng trong dân khá lớn cần được giải cứu sớm.

Hiện số lượng nhãn còn tồn đọng trong dân khá lớn cần được giải cứu sớm.

Qua rà soát mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh, số lượng cụ thể của một số loại nông sản chưa có thương lái thu mua cần được giải cứu sớm trong lúc này, gồm: TP Ngã Bảy có 20 tấn chôm chôm, 63 tấn đu đủ; huyện Châu Thành A còn 40 tấn cam, 33 tấn chanh, 17 tấn nhãn, 4 tấn đu đủ; huyện Phụng Hiệp có 12 tấn cam, 53 tấn chanh, 8 tấn nhãn, 26 tấn đu đủ; huyện Vị Thủy có 16 tấn nhãn; huyện Châu Thành có 20 tấn chôm chôm, 7 tấn nhãn, 15 tấn đu đủ, 14 tấn cóc...

Cũng theo ông Hùng, sau thời gian triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh, hiện có hai mặt hàng được tiêu thụ thuận lợi, số lượng còn tồn đọng không nhiều là lúa và rau màu. Riêng mặt hàng về trái cây, nhất là cam, chôm chôm, đu đủ, nhãn đã và chuẩn bị quá ngày thu hoạch nhưng gặp khó trong tiêu thụ, từ đó số lượng còn tồn đọng trong dân khá lớn cần được giải cứu sớm.

Nhiều vườn chôm chôm trong tỉnh đã chín đỏ cây nhưng chưa tìm được thương lái đến thu mua.

Nhiều vườn chôm chôm trong tỉnh đã chín đỏ cây nhưng chưa tìm được thương lái đến thu mua.

Trước đó, Công đoàn viên chức - Liên đoàn Lao động tỉnh có công văn về việc vận động công đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thu mua nông sản (chủ yếu là chôm chôm, dưa lê và nhãn) nhằm hỗ trợ người dân trong tỉnh đang gặp khó khăn về tiêu thụ do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Qua đó, đã có hơn 14 tấn nông sản của người dân được giải cứu. Trong đó, có 4 tấn nhãn được tiêu thụ ở ngoài tỉnh, còn lại hơn 10 tấn, gồm: hơn 5 tấn chôm chôm, 2 tấn dưa lê và 3 tấn nhãn được tiêu thụ trong tỉnh. Hiện, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại - Sở Công thương tiếp tục làm đầu mối và phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh trong việc tổng hợp các đơn vị đặt số lượng thu mua nông sản hỗ trợ cho người dân.

Mới đây, qua kết quả thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện còn khoảng 747 tấn thủy sản đến lứa chưa thu hoạch, chủ yếu là cá thát lát khoảng 400 tấn; cá bông lau 36 tấn; cá trê gần 20 tấn; còn lại là các loại thủy sản khác. Trong đó, 253 tấn thủy sản được thương lái bao tiêu, cam kết thu mua, còn lại chưa có người mua.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, hiện ngành chuyên môn tiếp tục làm việc với các công ty chế biến, các vựa thu mua để tiêu thụ thủy sản cho người dân. Tuy nhiên, tiến độ khá chậm, do phần lớn các công ty chế biến trên địa bàn hiện đều tạm dừng hoạt động. Chỉ có các loại cá rô, cá tra, mỗi ngày tiêu thụ từ 20 - 25 tấn.

Còn tại thị xã Long Mỹ, hơn 1 tháng nay, giá heo hơi chỉ còn 52.000 - 55.000 đồng/kg, giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg. Với giá này, nhiều hộ nuôi heo lỗ vốn. Không chỉ vậy, hiện thương lái thu mua heo hơi tại thị xã Long Mỹ cũng giảm, do gặp khó trong khâu vận chuyển trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện thị xã còn 580 con heo đến kỳ xuất chuồng, nhưng chưa bán được. Trong khi đó, giá thức ăn tăng thêm 10 - 15%.

Thời gian qua, do việc đi lại, giao thương gặp khó khăn vì tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành phía Nam trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm phòng, chống dịch COVID-19, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản của nông dân trong tỉnh.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm