Bán nông sản sang Ma-rốc: Cần yêu cầu đối tác đặt cọc tối thiểu 25% giá trị lô hàng
DNVN - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc khuyến cáo, trong hợp tác kinh doanh, để tăng khả năng tuân thủ cam kết và độ tin cậy, doanh nghiệp Việt cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc tối thiểu 25% giá trị lô hàng.
Miền Nam vẫn là vùng đất màu mỡ cho sự phát triển của chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi / VN-Index điều chỉnh giảm 4 điểm trong phiên giao dịch 11/8
Tại Phiên tư vấn trực tuyến về thị trường Ma-rốc do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc tổ chức chiều ngày 12/8, ông Đỗ Việt Phương, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc khẳng định, hàng Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để thâm nhập thị trường Ma-rốc và mở rộng tiếp cận thị trường các nước khác trong khu vực.
Trong 10 năm qua, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ma-rốc gồm có: gạo, hạt tiêu, dứa hộp, điện thoại và linh kiện, máy tính, cà phê, hải sản, gia vị nói chung, sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép… Trong đó, mặt hàng cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thực phẩm chế biến và gia vị các loại vẫn tiếp tục chiếm ưu thế.
Ma-rốc có nhu cầu lớn đối với mặt hàng cà phê. Thị trường này chủ yếu nhập khẩu cà phê chưa rang xay để chế biến phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Ma-rốc.
Nông sản Việt được thị trường Ma-rốc đánh giá tích cực.
Hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả khá hợp lý và đáp ứng được ngay cả yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất như EU hay Hoa Kỳ, nên về chất lượng hoàn toàn có thể thâm nhập và cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác tại Ma-rốc như Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
Tuy nhiên, xu thế bảo hộ các sản phẩm nông sản tại Ma-rốc khá cao do định hướng phát triển của quốc gia này cũng tập trung vào đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng nông thủy sản nói riêng còn cao, cá biệt có những mặt hàng lên tới hơn 60%, bao gồm cả thuế và phí. Quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm khá chặt chẽ. Một số quy định về thông quan hàng hóa của bạn vẫn có xu hướng có lợi cho nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, vấn đề thanh toán vẫn còn những hạn chế với các phương thức thanh toán mang tính tập quán, có mức độ đảm bảo chưa cao và bị động cho nhà xuất khẩu nước ngoài. Đôi khi vẫn có trường hợp uy tín doanh nghiệp chưa cao, chậm thanh toán từ phía đối tác nhập khẩu…mặc dù chỉ là những trường hợp cá biệt do tiềm lực doanh nghiệp còn hạn chế và gặp đúng thời điểm thị trường biến động khó khăn.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc khuyến cáo, trong hợp tác kinh doanh để tăng khả năng tuân thủ cam kết và độ tin cậy, doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc cao, tối thiểu 25% giá trị lô hàng. Không chuyển trước cho đối tác mua hàng bất kỳ khoản tiền nào theo đề nghị của họ với bất cứ lý do gì.
Đối với hợp đồng ký kết gửi qua thư điện tử và phụ lục cần đặc biệt lưu ý đến tính xác thực của chữ ký và con dấu, nhất là các hợp đồng qua trung gian.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Phiên tư vấn nằm trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, nhằm kịp thời cung cấp thông tin và các cơ hội thị trường, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển xuất khẩu thực tiễn, tư vấn giải pháp thâm nhập thị trường Ma-rốc cho doanh nghiệp. |
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Cột tin quảng cáo