Đắk Nông: Chăn nuôi dê tạo nguồn thu ổn định
Nam Định: Bỏ phố về quê nuôi thỏ bán cho Nhật, thu 60 triệu/tháng / An Giang: Nuôi lươn không bùn bằng ốc bươu vàng, lời 60 triệu/lứa
Chị H’Ang, ở bon Tiêng Wel Đăng, xã Đắk Ha (Đắk Glong) hai năm gần đây đã đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi dê.
Gia đình chị H’Ang, xã Đắk Ha (Đắk Glong) chuyển từ hình thức thả rông sang nuôi nhốt đàn dê
Chị H’Ang cho biết: Trước đây, gia đình vẫn có thói quen chăn nuôi theo hình thức thả rông với vài ba con. Nhưng sau khi được sự vận động của cán bộ xã, bon, gia đình đã chuyển sang nuôi dê nhốt trong chuồng. Cùng với các loại lá như mít, ngô có thể hái về quanh vườn, rẫy, chị còn trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn sạch, ổn định cho dê. Qua hai năm chăn nuôi theo hình thức mới, chị thấy hiệu quả kinh tế cao hơn, lại bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.
Chị H’Ang vui mừng: “Dê sinh sản nhanh lại đầu tư ít, thị trường tiêu thụ thịt dê cung không đủ cầu nên vừa có lãi cao vừa không lo về đầu ra sản phẩm”. Cũng ở xã Đắk Ha, ông Nông Văn Dung, thôn 7 đang mở rộng phát triển chăn nuôi dê. Theo ông Dung, gia đình bắt đầu nuôi dê cỏ từ năm 2015 với 5 con giống. Hiện nay, đàn dê được nhân rộng lên mức 30-40 con. Hiện nay, gia đình ông Dung chuyển từ nuôi dê cỏ sang nuôi dê bách thảo vì số lứa đẻ nhiều hơn, trọng lượng trung bình đến tuổi trưởng thành cũng cao hơn dê cỏ khoảng 10-15 kg.
Theo UBND xã Đắk Ha, những năm gần đây, chăn nuôi dê đã được nhiều hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện đàn dê của xã đạt khoảng 1.000 con.
Tương tự, chăn nuôi dê cũng đang được nhiều hộ dân ở Đắk Mil lựa chọn. Gia đình bà Đỗ Thị Tuyến, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn hiện có đàn dê hơn 20 con lớn, nhỏ.
Gia đình bà Đỗ Thị Tuyến, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) hiện có đàn dê hơn 20 con
Bà Tuyến cho biết: Chăn nuôi dê vốn đầu tư không nhiều cả về con giống và chuồng trại. Dê giống ở mức 1 triệu đồng/con. Thức ăn cũng khá dễ tìm là các loại thân, lá cây nông dân vẫn thường trồng dọc bờ ranh, cây che bóng như chuối, keo, mít. Tuy nhiên, để đàn dê phát triển khỏe mạnh, vấn đề cho ăn như thế nào rất quan trọng. Ví dụ, thức ăn lá cây vào mùa mưa phải rải ra nơi sạch sẽ, hong khô, lá cây phải không dính sâu, nái để dê ăn vào không bị đau bụng. Mỗi ngày ít nhất phải cho dê uống nước 1 lần, nguồn nước sạch sẽ. Dê thường hay bị chướng bụng, bại liệt và một số bệnh lây nhiễm như long móng, lở mồm. Những lúc dê bị bệnh cần tách đàn và kiên trì chăm sóc, uống thuốc chữa trị kịp thời.
Thời gian gần đây, giá dê thịt thường ổn định ở mức 120.000-140.000 đồng/kg nên khá thuận lợi cho người chăn nuôi. Trung bình, mỗi con dê thịt khoảng 30 kg, cũng thu về khoảng 4,2 triệu/con. Một năm, gia đình bà Tuyến có thể xuất bán khoảng 20 con dê thương phẩm, thu về khoảng 84 triệu đồng. Cùng với việc bán dê giống, thương phẩm, gia đình đã sử dụng phân dê để bón cho cây trồng rất hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT, những năm gần đây, chăn nuôi dê đang được nhiều người dân lựa chọn vì vốn đầu tư ban đầu ít, thức ăn dễ tìm. Thống kê hiện nay, đàn dê toàn tỉnh đạt mức gần 18.000 con, tăng khoảng 8.000 con so với năm 2017. Việc đẩy mạnh chăn nuôi dê đã giúp nhiều nông dân bảo đảm thu nhập trong điều kiện nhiều loại nông sản mất mùa, mất giá. Tuy nhiên, tránh tình trạng cung vượt cầu, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên tăng đàn ồ ạt mà nên hướng đến việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi dê theo hướng an toàn sinh học, gắn với bao tiêu sản phẩm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh