Thị trường

Đắk Nông: Làm giàu từ mô hình nuôi heo rừng lai

Với quy trình chăm sóc khác biệt, anh Phạm Văn Sáu ở xã Đắk Ha (Đắk G'long, Đắk Nông) đã xây dựng được thương hiệu riêng, trở thành địa chỉ cung cấp thịt heo rừng quen thuộc của nhiều khách hàng.

Sau khi “bôn ba” học tập kinh nghiệm nhiều nơi, năm 2016, anh Sáu quyết định bỏ vốn xây dựng trang trại. Trên diện tích 2 sào đất cao và thoát nước tốt, nhiều chuồng được thiết kế với diện tích 20 – 30 m2/chuồng được xây dựng để heo tránh mưa, nắng.

Phần diện tích còn lại được anh Sáu vây lưới B40 để vật nuôi có không gian rộng để vận động. Sau đó, người nông dân này đã tìm đến các trang trại uy tín ở tỉnh Tây Ninh để mua heo rừng giống. Từ 5 con heo giống ban đầu, sau 3 năm phát triển, mô hình này thường xuyên duy trì quy mô từ 150-200 con.

Thức ăn của mô hình heo rừng lai này chủ yếu là rau, củ, quả.

Hiện nay, vì muốn xuất bán nhanh hay chạy theo lợi nhuận, nên nhiều mô hình thường sử dụng các loại cám công nghiệp hoặc thức ăn tăng trọng. Điều này phần nào đó đã làm mất đi đặc trưng, hương vị đặc biệt của loại thịt heo này.

Tuy nhiên, anh Sáu đã không chọn hướng đi thiếu bền vững đó. Ở mô hình này, từ khi heo mới sinh đến khi xuất chuồng luôn nói không với thức ăn công nghiệp. Thức ăn của heo rừng lai mà anh Sáu sử dụng chủ yếu là: rau, củ, quả hoặc cám gạo…

“Heo rừng lai có nguồn gốc hoang giã nên có đặc tính ăn tạp, kháng bệnh tốt, công chăm sóc ít… Trong chu kỳ nuôi, tách đàn để cai sữa mẹ chính là giai đoạn khó nhất.

Ở thời điểm này heo con rất dễ mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ chết cao. Tuy nhiên, bệnh này người nuôi cũng có thể phòng tránh được, bằng việc vệ sinh chuồng trại thường xuyên, thức ăn phải sạch sẽ, không nhiễm hóa chất” – anh Sáu nói.

Với quy trình chăm sóc “đặc biệt”, heo con ở trang trại này sau khoảng 6-8 tháng nuôi có thể xuất chuồng. Trong lượng giao động khoảng 25-30kg/con. Bình quân trang trại này bán ra thị trường 20 con/tháng, với giá heo thịt 100.000 đồng/kg; heo giống 120.000 đồng – 130.000 đồng/kg.

“Heo rừng lai có thể chế biến thành các món ăn như quay, nướng, hấp… Chính nhờ sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên nên thịt heo rừng ở trang trại của tôi có chất lượng tốt, thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ. Sản phẩm được người dân trong và ngoài địa phương tin dùng, ở nhiều thời điểm cung không đủ cầu” – anh Sáu cho biết thêm.

Heo rừng mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Phạm Văn Sáu

Để giảm bớt rủi ro trong sản xuất, thời gian qua, chính quyền xã Đắk Ha (Đắk Glong, Đắk Nông) đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân đưa nhiều loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả vào phát triển. Qua thực tế cho thấy, những hộ gia đình áp dụng chủ trương trên đều mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Phạm Quang Quyết, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Ha (Đắk G’long) cho biết: “Mô hình heo rừng lai của anh Phạm Văn Sáu là một ví dụ điển hình về thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Đây là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, có thể tận dụng nguồn thức sẵn có trong tự viên, nên phù hợp với người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi heo rừng lai”.

Từ cách nuôi phù hợp cộng với nguồn giống đảm bảo, nên mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phạm Văn Sáu ngày càng thành công. Heo rừng lai mang lại cho anh Sáu nguồn thu khoảng 300 triệu đồng/năm. Nếu kể cả lượng phân chuồng khoảng 100m3/năm được tận dụng bón cho cây trồng thì mô hình này mang lại lợi ích rất lớn.

Theo Trần Luật/Kinh tế nông thôn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo