Thị trường

Đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng tương đối cao của thị trường hàng hóa trong nước, tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu cả năm.

Gia Lai: Dân “khóc ròng” vì nạn sâu keo phá 5.000 ha ngô / TP.HCM tăng gấp đôi hạn mức cho người nghèo vay tiền

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, cung cầu các hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Riêng mặt hàng thịt lợn, sau một thời gian giá giảm do dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, hiện nay, giá thịt lợn hơi đã tăng trở lại do nguồn cung thị trường bắt đầu có dấu hiệu giảm do quy mô chăn nuôi tại các hộ gia đình giảm mạnh. Các nhóm hàng vật liệu xây dựng như thép, xi măng đều điều chỉnh tăng giá do giá nguyên liệu đầu vào tăng (giá điện, than cho sản xuất xi măng, xăng dầu, quặng sắt đều tăng). Nhóm hàng nguyên liệu và năng lượng chịu ảnh hưởng của giá thế giới trước các biến động của các vấn đề chính trị và thương mại giữa các nước lớn nên có biến động tăng giảm đan xen. Các mặt hàng khác như lương thực, phân bón, giấy, đường giá tương đối ổn định.

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định trong những tháng đầu năm

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định trong những tháng đầu năm

Với biến động như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,5%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng. Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, đa dạng hóa các hình thức khuyến mại góp phần làm sôi động thị trường trong những tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 409,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.391,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của 6 tháng năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 6 tháng của các năm giai đoạn 2015-2017, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,7%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.823,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,3% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 13%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,1%; may mặc tăng 11,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục và phương tiện đi lại tăng 10,7%...

Có thể nói, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 ở mức 11,5-12%. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác điều hành giá mặt hàng xăng dầu để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung khi có sự điều chỉnh tăng giá điện trong tháng 3.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2.391,1 tỷ đồng, đã vượt mục tiêu đề ra tại kịch bản tăng trưởng ngành Công Thương (là 2.372.755 tỷ đồng). Trong 6 tháng cuối năm 2019, thị trường hàng hóa trong nước được dự báo chưa có thêm yếu tố tác động bất lợi nên dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm 2019 vẫn đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra ở mức 4.903-4.923 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5-12% so với năm 2018.

 

Tại Hội thảo diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2019, do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức mới đây, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng của thị trường trong nước, lạm phát năm 2019 có thể kiểm soát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đang được thực hiện ổn định từ năm 2011 đến nay; đồng thời kết hợp chính sách hỗ trợ tăng trưởng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ở mức độ hợp lý. Đặc biệt, cần đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tăng giá đột biến và thực hiện bình ổn giá vào các dịp lễ, tết, tránh tình trạng thiếu hàng sốt giá ảnh hưởng đến CPI.

Theo Bảo Ngọc/congthuong.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm