Thị trường

ĐBSCL: Tiêu thụ nông sản có dấu hiệu khởi sắc

DNVN – Với nỗ lực của bà con nông dân và sự hỗ trợ của ngành chức năng các tỉnh, đến thời điểm này, việc tiêu thụ nông sản tại một số tỉnh miền Tây đã có dấu hiệu khởi sắc so với trước.

Khối ngoại bán ròng mạnh, VN-Index tiếp tục giảm điểm / Gỡ khó trong thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam

Nhiều giải pháp hay

Trong thời gian đầu thực hiện Chỉ thị 16, nông dân nhiều tỉnh, thành miền Tây đều trăn trở về vấn đề tiêu thụ nông sản. Đây là khó khăn chung của các tỉnh miền Tây nói riêng và cả nước nói chung. Nguyên nhân do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chợ truyền thống đóng cửa, sức mua yếu và thương lái hạn chế thu mua khi việc đi lại, vận chuyển hàng tiêu thụ giữa các địa phương gặp khó, chi phí cao. Nhận biết khó khăn của bà con nông dân, trong suốt thời gian qua ngành chức năng của các tỉnh đã đưa ra nhiều hướng đi giúp nông dân ổn định đầu ra nông sản.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng có cuộc họp về việc tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; rà soát diện tích và sản lượng các loại nông sản chuẩn bị thu hoạch; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các vựa thu mua và vận chuyển tiêu thụ nhưng cần bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch; thành lập các tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ tại các ấp, xã của từng địa phương nhằm theo dõi sát và đưa ra các giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân.

Bên cạnh đó, cần phát huy việc kết nối tiêu thụ ngoài tỉnh đối với những nông sản có sản lượng lớn còn đối với các mặt hàng nhỏ, lẻ cần kết nối chặt chẽ việc tiêu thụ trong nội tỉnh.

Trước tình hình ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân kết nối tiêu thụ lượng nông sản tồn động. Cụ thể, thực hiện triển khai việc đăng tải thông tin trên Báo Nông nghiệp, trang Web của Tổ công tác 970, nhóm zalo hợp tác xã Hậu Giang và hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản của Sở Công thương. Vận động, kết nối với các doanh nghiệp để tạo nguồn ra cho nông sản.

Ông Huỳnh Thanh Phong- Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền Thông để rà soát các mặt hàng nông sản tồn động, đề xuất phương án hỗ trợ nông dân tiêu thụ bằng cách kết nối nhu cầu của các công chức, viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh với người sản xuất và tiếp tục rà soát các mặt hàng nông sản để hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch điện tử.

Để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã kết nối tiêu thụ nông sản tồn đọng của nông dân với số lượng lớn đến các đối tác, doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Điển hình, ngày 18/8, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Hội Doanh nhân trẻ, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức chuyến tàu chở hơn 30 tấn nông sản của Đồng Tháp đến với chương trình "Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch" do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các đơn vị có liên quan tổ chức. Số nông sản này được chương trình thu mua lại nhằm gửi đến người dân vùng dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Ngày 18/8, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Hội Doanh nhân trẻ, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân Nhân dân Việt Nam tổ chức chuyến tàu chở hơn 30 tấn nông sản đến TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Ngày 18/8, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Hội Doanh nhân trẻ, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân Nhân dân Việt Nam tổ chức chuyến tàu chở hơn 30 tấn nông sản đến TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Hiện, ngoài các thị trường tiêu thụ trước đây, Sở Công Thương Đồng Tháp còn kết nối với một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu thu mua nông sản để thực hiện hoạt động thiện nguyện. Đây là hoạt động thiết thực hướng đến mục tiêu kết nối với các đơn vị có liên quan nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Những tín hiệu vui

Tuy việc tiêu thụ nông sản hiện không thể tốt như thời điểm bình thường. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của bà con nông dân và các giải pháp tiêu thụ nông sản đúng hướng của các sở, ngành chuyên môn đưa ra, đến nay việc tiêu thụ nông sản tại các địa phương đã được khởi sắc.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Sóc Trăng (20/8) diện tích lúa Hè Thu năm 2021 trên địa bàn đã thu hoạch gần 15.000ha, sản lượng hơn 83.300 tấn. Lúa sau thu hoạch được các thương lái, nhà máy trong và ngoài tỉnh thu mua hết và dự kiến trong 3 ngày tới tại các địa phương sẽ tiếp tục thu hoạch lúa, với sản lượng ước 50.138 tấn. Về cây màu, sản lượng thu hoạch trong thời gian giãn cách đến nay hơn 6.300 tấn và sản lượng trái cây thu hoạch gần 4.000 tấn, đã tiêu thụ hơn 3.700 tấn. Dự kiến, sản lượng thu hoạch trong 3 ngày tới là 350 tấn, gồm: nhãn, đu đủ, chanh.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh đã có tín hiệu tích cực. Đặc biệt, tiêu thụ nhãn tại huyện Kế Sách, thị xã Vĩnh Châu có hướng tiến triển. Sau khi thương lái đến thu mua, giá nhãn đã tăng và diện tích lúa thu hoạch cũng tiêu thụ ổn định.

Địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch gần 15.000ha, sản lượng hơn 83.300 tấn, lúa sau thu hoạch được các thương lái, nhà máy trong và ngoài tỉnh thu mua hết.

Địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch gần 15.000ha, sản lượng hơn 83.300 tấn, lúa sau thu hoạch được các thương lái, nhà máy trong và ngoài tỉnh thu mua hết.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến định kỳ với các địa phương về hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản vào chiều ngày 20/8 do Sở NN&PTNN và Sở Công Thương chủ trì, bà Võ Phương Thủy- Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, từ ngày 19- 20/8, các đơn vị đã hỗ trợ tiêu thụ được 850 tấn nông sản, trái cây các loại. Bên cạnh đó, tiêu thụ nông sản của tỉnh có dấu hiệu tích cực. Đó là Tiki dự kiến sẽ thu mua nông sản của nông dân để cung cấp trên sàn thương mại điện tử và phối hợp thực hiện chương trình Tuần hàng nông sản Đồng Tháp.

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, hiện các địa phương đang tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua nông sản, số lượng thương lái có tăng lên. Do đó, tình hình tiêu thụ nông sản hiện tại của tỉnh nhìn chung đã phát triển tốt hơn so với thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các thương lái đến thu mua tiêu thụ tại địa phương đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tình hình tiêu thụ rau màu nhanh hơn so với trước. Mức tiêu thụ tại chỗ tương đối giữa cung cầu và một số loại trái cây như mít, cam đang hút hàng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hậu Giang, từ tháng 8 - 12/2021, toàn tỉnh dự kiến sản xuất nông sản đạt 35.550 tấn rau màu các loại, 102.973 tấn cây ăn quả và 306.000 tấn lúa Hè Thu và Thu Đông.

Kim Cương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm