Thị trường

Để đứng vững trong môi trường bất ổn địa chính trị - Bài 1: Kinh tế thế giới trong vòng xoáy xung đột

Khi “vòng xoáy” bất ổn địa chính trị có nguy cơ lan rộng, các định chế toàn cầu và các Chính phủ đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế, giữ cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn và lạm phát tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam thể hiện sức bền mạnh mẽ, nhưng vẫn cần có sự chuẩn bị tốt nhất, để giữ vững đà tăng trưởng.

Du lịch MICE tăng trưởng mạnh dịp cuối năm / Kết nối thị trường, hỗ trợ lao động tìm việc cuối năm

Nhằm cung cấp thêm góc nhìn về các vấn đề trên, nhóm phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài bình luận “Kinh tế thế giới trong vòng xoáy xung đột".

Chú thích ảnh
Hàng viện trợ cho Dải Gaza được trữ tại nhà kho ở al-Arish, Ai Cập. THX/TTXVN

Nền kinh tế thế giới đang trải qua nhiều biến động, từ đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, cho đến xung đột địa chính trị có chiều hướng gia tăng. Những biến động này tạo ra thách thức cho tăng trưởng toàn cầu, giữa lúc đà phục hồi kinh tế chưa có nhiều "điểm sáng".

Cuộc xung đột Israel - Hamas bất ngờ diễn ra đã khiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế khẩn trương đánh giá lại tình hình. Mặc dù rất khó để đưa ra được những nhận định chính xác nhất về tương lai của kinh tế toàn cầu vào thời điểm hiện nay, nhưng hầu hết chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ đi xuống trong năm 2024 và thậm chí cả các năm sau đó.

Xung đột có thể tác động ra sao đến kinh tế?

Sự leo thang của cuộc xung đột Israel - Hamas đang khiến người dân và doanh nghiệp ở mọi nơi trên thế giới trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu và đầu tư. Ngay lập tức, giá dầu và giá vàng trên các thị trường đã liên tục tăng. Hiện giá dầu mỏ thế giới đã tăng lên trên mức 90 USD/thùng và giá vàng tăng vọt qua ngưỡng 1.900 USD/ounce. Tương tự, trên thị trường Việt Nam, giá xăng và giá vàng đều "nhích" nhẹ.

Giáo sư Daniele Bianchi thuộc trường Đại học Queen Mary của London (Anh) giải thích xung đột địa chính trị thường có tác động đáng kể đến các chỉ số thị trường chứng khoán, tỷ giá hối đoái và giá hàng hóa. Việc giá hàng hóa tăng cao đôi khi dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động kinh tế lâu dài thường phức tạp hơn do sự hình thành của nhiều yếu tố.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định giá dầu tăng sẽ khiến tốc độ lạm phát toàn cầu tăng. Trong dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vừa phát hành, các chuyên gia của IMF giữ nguyên dự báo năm 2023 ở mức 3%, tương tự dự báo hồi tháng 7/2023, nhưng hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 xuống còn 2,9%, thấp hơn so với báo cáo công bố trước đó.

Cùng với đó, chuỗi cung ứng thế giới nhiều khả năng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điển hình nhất là hoạt động của tàu chở dầu và tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đi qua các cảng biển ở Trung Đông có thể bị ách tắc. Nếu quá trình vận chuyển bị gián đoạn, dù chỉ trong vài ngày, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến giá dầu và khí đốt thế giới.

Mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam

 

Xung đột địa chính trị rõ ràng đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá cả hàng hóa và các thị trường, làm gia tăng sức ép lạm phát cũng như nguy cơ xuất hiện vòng xoáy lạm phát - lãi suất mới. Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, nhà kinh tế học chuyên về mảng tài chính và ngân hàng, nhận định ảnh hưởng đầu tiên và rõ nét nhất sẽ thể hiện trên giá hàng hóa. Việt Nam là nước xuất khẩu dầu. Việt Nam bán dầu thô và nhập dầu đã qua chế biến về để sử dụng. Do đó, khi giá dầu thế giới tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng năng lượng.

Một yếu tố nữa cần phải quan tâm đó là xung đột leo thang đẩy giá các tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng và đồng USD, lên cao. Tỷ giá ngoại tệ tăng làm đồng nội tệ của Việt Nam gặp áp lực giảm giá, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát vẫn cao. Điều này gây thêm khó khăn cho các nỗ lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng nền kinh tế Việt Nam còn có thể bị ảnh hưởng về khía cạnh đầu tư. Trong xu thế tái định hình các chuỗi cung ứng và thương mại đầu tư quốc tế hiện nay, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, khi có căng thẳng địa chính trị các nhà đầu tư có xu hướng tránh rủi ro và sẽ quay về đầu tư trong nước, hoặc các nước gần gũi hơn.

Về khía cạnh thương mại, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trực tiếp tới Israel hoặc khu vực Trung Đông cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dựa trên nguồn số liệu hải quan năm 2022 có thể thấy rằng tổng giá trị hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Israel năm 2022 là 175,8 triệu USD, chiếm dưới 0,01% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Israel là 780,5 triệu USD, chiếm 0,2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

 

Do đó, gián đoạn nguồn cung từ Israel - nếu xảy ra - cũng ít khả năng ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và ngược lại việc suy giảm nhu cầu nhập khẩu (nếu có) từ Israel thì nhìn chung cũng không gây tác động nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tàu chở hàng hóa cập cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Triển vọng kinh tế toàn cầu khi không có xung đột

Quan sát rộng hơn có thể thấy rằng xung đột địa chính trị không phải là nguyên nhân duy nhất gây tổn hại đến tăng trưởng của thế giới. Trong các dự báo của IMF, định chế này cho rằng nền kinh tế thế giới không có nhiều "điểm sáng" nổi bật, ngoại trừ Mỹ và Ấn Độ.

Phó Tổng Giám đốc IMF, Gita Gopinath, thừa nhận thế giới đang đối mặt cùng lúc nhiều cú sốc. Bà nói: "Mức nợ tại các nền kinh tế đang cao kỷ lục và thế giới phải đối mặt với môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn. Có nhiều thứ có thể đi chệch hướng".

Thật vậy, số liệu thống kê của IMF cho thấy những cú sốc liên tiếp, kể từ năm 2020, đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3.700 tỷ USD. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3,8% ghi nhận trước đại dịch và triển vọng tăng trưởng trung hạn còn thấp hơn nữa.

 

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là sự phân mảnh kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ. Sự phân mảnh này được thể hiện qua chủ nghĩa bảo hộ, việc các chính phủ tăng cường kiểm soát xuất khẩu và tạo ra căng thẳng chính trị, đe dọa đến tự do thương mại toàn cầu và làm suy yếu thêm triển vọng tăng trưởng, đặc biệt đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.Giáo sư Bianchi lưu ý sự leo thang của cuộc xung đột Israel-Hamas đã xảy ra cùng lúc quá trình "phi toàn cầu hóa".

Quá trình này đã diễn ra chậm chạp trong vài năm gần đây, được nhận thấy qua sự thay đổi trong chính sách thương mại của các cường quốc lớn.Nhưng chính các sắc thái khác nhau trong phản ứng quốc tế đối với vụ xung đột Israel- Hamas đã thúc đẩy xu hướng "phi toàn cầu hóa" mạnh mẽ hơn. Chúng có thể đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc toàn cầu và gây ra những hậu quả bất lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, thế giới còn đang đối mặt với các rủi ro tài khóa. Phân tích của IMF cho hay có đến 100 nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp hiện không có đủ nguồn lực và khả năng tiếp cận các chương trình hoán đổi tiền tệ, khiến những nước này gặp rủi ro trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính. Việc đồng USD mạnh lên khiến lo ngại về tính bền vững của nợ công và tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu càng phình to hơn.

Tình trạng bán tháo gần đây trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đang đẩy lãi suất trên toàn cầu tăng, vào đúng thời điểm các ngân hàng trung ương ngừng mua trái phiếu và các chính phủ tăng phát hành nợ.

Để vực dậy nền kinh tế

 

IMF cho rằng chống lạm phát nên là ưu tiên số một của các nước. Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, khẳng định các nước phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để đảm bảo chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Ngoài ra, Tổng Giám đốc IMF cũng kêu gọi các nước giàu tăng cường tài trợ để các thể chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nước bị ảnh hưởng bởi nghèo đói và biến đổi khí hậu.

Trước đó, báo cáo Thương mại và Phát triển 2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) khuyến nghị cần nhanh chóng cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, đưa ra các chính sách thực tế hơn để kiềm chế lạm phát, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và nợ công, cũng như các biện pháp tăng cường giám sát các thị trường quan trọng.

Có thể thấy rằng trong vòng xoáy của các xung đột hiện nay, để vực dậy nền kinh tế thế giới, sự chung tay hợp tác của các quốc gia là rất quan trọng. Hơn nữa, để đối phó với sự biến động của các thị trường, các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro và đảm bảo nguồn dự phòng phù hợp.

Bài 2: Các thị trường chuyển động trong "cơn bão"

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm