Suy giảm xuất khẩu được thu hẹp đáng kể
Du lịch MICE tăng trưởng mạnh dịp cuối năm / Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhờ đổi mới kích cầu
Kim ngạch xuất khẩu giảm 7,1%
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 đạt 61,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 558 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu hàng hóa, sau mức sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 5,7%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỷ USD, tăng 5,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 5,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 291,2 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.
Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Những điểm sáng
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu 10 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta đó là suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp. Cụ thể, 10 tháng giảm 7,1% so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2022.
So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 của khu vực kinh tế trong nước cao gấp 3 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô (tăng 15,1% so với mức tăng 3%).
Tính chung 10 tháng, mức giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chỉ bằng 50% mức giảm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (giảm 4,1% so với mức giảm 8,1%).
Số liệu này cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu, là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng (tăng 3,8%).
Trong xuất khẩu đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường. Trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam đều giảm (như Mỹ, EU) nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng.
Ngoài ra, Việt Nam đã thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 5%), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Kim ngạch nhập khẩu từ hầu hết các thị trường đều giảm
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 266,6 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 171,6 tỷ USD, giảm 13,3%.
Một trong những điểm tích cực trong tháng 10 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng.
Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 89% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Dù kết quả cho thấy những dấu hiệu trong phục hồi trong sản xuất công nghiệp nhưng do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng.
Tính lũy kế 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đạt gần 236 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022.Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 18% trong 10 tháng năm 2023, ước đạt 15,17 tỷ USD.
Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,7 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 43,1 tỷ USD, giảm 18,6%. Các thị trường ASEAN, Nhật Bản, EU, Mỹ lần lượt ghi nhận mức giảm 14,9%, 11,1%, 2,6% và 6,9%.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,6 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh