Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công
Xuất khẩu nông, thủy sản sang Nhật còn gặp khó / Tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 6 chương với 106 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật.
Theo đó, lý giải về lý do đề nghị đổi từ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ đã có Tờ trình số 127/TTr-CP ngày 12/4/2018 báo cáo UBTVQH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Sau khi các cơ quan thẩm tra của Quốc hội có ý kiến về việc chưa xem xét Tờ trình nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 552/TTg-KTTH ngày 24/4/2018, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có báo cáo rà soát tổng thể những vướng mắc, khó khăn trong thực thi các quy định liên quan đến đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 597 ý kiến của 37 bộ, cơ quan Trung ương và 50 địa phương, trong đó, có 329 ý kiến liên quan đến vướng mắc của Luật Đầu tư công, nghiên cứu, tiếp thu 276 ý kiến, tổ chức 3 hội thảo.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật được mở rộng hơn so với phạm vi, nội dung của dự thảo Luật, đã tác động, sửa đổi, bổ sung tới 69/108 điều, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 4 điều mới, dẫn tới kết cấu của dự thảo Luật (mới) thay đổi, chỉ còn 106 điều.
Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định dự án Luật tại báo cáo số 200/BC-BTP ngày 14/8/2018, Chính phủ thống nhất trình UBTVQH xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), thay thế cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công như đã trình tại Tờ trình số 127/TTr-CP và quy định tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc chủ yếu như: khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, do lần đầu tiên xây dựng, ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công nên không tránh khỏi những hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn. Một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch... Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong đó nhấn mạnh việc cơ cấu lại đầu tư công, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết.
Dự án Luật được xây dựng nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công; tiếp tục khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công như: phân cấp điều chỉnh dự án, phân cấp phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.
Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.
Gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của nhà nước, tạo điều kiện khuyến sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân, trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu.
Cụ thể, thứ nhất là nhóm chính sách về quy định chung, trong đó, đã tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương đối với các quy định về nguồn vốn đầu tư công; phân loại nguồn vốn; phạm vi điều chỉnh; điều kiện áp dụng; phân loại dự án... Đây là nội dung quan trọng, liên quan đến sự đồng bộ với các luật liên quan, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời, có ý nghĩa quyết định đến việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục liên quan đến những quy định điều chỉnh, bổ sung này.
Thứ hai là nhóm chính sách về quản lý dự án, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, mất nhiều thời gian, nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi dự án đủ thủ tục đầu tư và được bố trí kế hoạch vốn.
Thứ ba là nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục liên quan đến lập, thẩm định, quyết định, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện kế hoạch, tăng cường hậu kiểm. Đáng chú ý là đề xuất về kế hoạch đầu tư công 03 năm theo phương thức cuốn chiếu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công với kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) cho rằng, Luật Đầu tư công được ban hành năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, hoàn thiện. Do đó, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công.
Về phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải, Tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tên Dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, tại Tờ trình số 382/TTr-CP, Chính phủ đề xuất sửa đổi toàn diện, 69/108 điều được sửa đổi, một số nội dung đổi mới về chính sách. Thường trực Ủy ban TCNS tán thành việc sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, khắc phục triệt để những khó khăn trong quản lý.
Qua xem xét hồ sơ của Dự án Luật, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí về số lượngcác báo cáo trong hồ sơ dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nâng cao chất lượng Dự thảo Luật và các tài liệu liên quan; bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành;…
Thường trực Ủy ban TCNS cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật, một số quy định chưa bảo đảm thống nhất với Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Luật Xây dựng... đề nghị chỉnh lý để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về tính cụ thể, hợp lý của Dự thảo Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải, Dự thảo Luật có nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Qua rà soát cho thấy, trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn. Do đó, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết tối đa các điều, khoản trong Dự thảo Luật, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, phù hợp về thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền hướng dẫn, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình kèm Dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, nội dung Dự thảo Luật chưa thể hiện đầy đủ mục tiêu sửa đổi Luật, các quy định mới chỉ tập trung vào nội dung phân bổ vốn đầu tư công, từ xem xét đề xuất, phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành việc giải ngân cấp vốn cho công trình; dự thảo Luật thiếu các quy định về quyết toán; thiếu yêu cầu về kết quả đầu ra, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra, trách nhiệm bảo đảm hiệu quả đầu tư, đặc biệt trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, thất thoát, lãng phí; thiếu chế tài xử lý khi xảy ra vi phạm... Đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật các nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối chiếu với Dự thảo Luật cho thấy, còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm...
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật cũng như tập trung thảo luận về những vấn đề lớn liên quan đến tên gọi, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật; tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật có liên quan; tính khả thi của luật; việc bổ sung các lĩnh vực thuộc đối tượng đầu tư công; tiêu chí dự án đầu tư công; nguyên tắc quản lý đầu tư công; về phân loại dự án đầu tư công; các điều khoản chuyển giao;…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT