Thị trường

Để trái cây Việt "rộng đường" xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Chỉ mỗi việc chuyên gia người Mỹ mới trở lại Việt Nam để phục vụ chiếu xạ đã là “tin vui” với xuất khẩu trái cây sau gián đoạn vì dịch Covid-19. Thực ra, việc khơi thông trái cây Việt vào thị trường Mỹ không chỉ với mỗi tin vui như vậy….

Xuất, nhập khẩu tăng mạnh nhờ CPTPP và EVFTA / Tổ hợp THACO Chu Lai: Trung tâm cơ khí đa dụng đầu tiên tại miền Trung

Đầu tháng 9/2020, chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là Timothy Westbrook được đặc cách đến Việt Nam để hỗ trợ cho công việc chiếu xạ trái cây Việt trước khi xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ.

“Tin vui” từ khâu chiếu xạ

Mới đây, sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế, có kết quả âm tính với virus Corona thì chuyên gia Westbrook đã bắt đầu làm việc tại Trung tâm chiếu xạ Sơn Sơn ở Tp.HCM - nơi chiếu xạ duy nhất được APHIS chứng nhận.

Thông tin này được được đưa ra tại cuộc họp báo cuối tuần rồi tại Tp.HCM về công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy XK trái cây vào Mỹ do Cục Bảo Vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phối hợp tổ chức.

HINH-7446-1601029187.jpg

Để khơi thông XK trái cây tươi vào Mỹ cần chuẩn bị kỹ càng ở khâu kiểm dịch và nên có công nghệ bảo quản tốt hơn.

Đây được cho là tin vui với ngành hàng trái cây. Bởi trước đó, từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của APHIS, đồng nghĩa với việc có thể phải tạm dừng XK trái cây tươi của Việt Nam sang Mỹ.

Điển hình như trong tháng 8/2020, trái cây Việt được ghi nhận đã bị “tắc đường” sang Mỹ khi không có nhân viên kiểm dịch thực vật người Mỹ nên việc XK trái cây tươi sang Mỹ như nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm…đã bị đình trệ.

Mặc dù nhân viên APHIS từ Hà Nội vào Tp.HCM kiêm nhiệm công tác giám sát xử lý chiếu xạ đã giúp tháo gỡ phần nào ách tắc trong việc chiếu xạ trái cây XK nhưng do đây không phải là công việc chính của họ nên ách tắc đã xảy ra.

Như chia sẻ vào thời điểm đó của bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tình trạng trái cây tắc đường sang Mỹ đã kéo dài được khoảng một tuần. Nhiều công ty XK trái cây khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng khi mà những tháng cuối năm là vào cao điểm thu hoạch các sản phẩm trái cây XK sang Mỹ, nhất là 6 loại trái cây được phép XK vào thị trường nước này, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài.

 

Trước diễn biến như vậy, thông tin từ cuộc họp báo cho thấy phía Mỹ đã cân nhắc và quyết định cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc như trường hợp đặc cách của ông Timothy Westbrook.

Có thể thấy, chỉ với mỗi việc đặc cách trở lại của chuyên gia chiếu xạ người Mỹ đã là “tin vui” cho XK trái cây. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dù tác động của dịch Covid-19 là yếu tố khách quan thì vẫn còn đó những bất cập liên quan đến việc kiểm dịch thực vật, đặc biệt là ở khâu chiếu xạ để XK trái cây sang Mỹ.

Gỡ bất cập để nâng sức cạnh tranh

Cần nhắc lại, trước khi trái cây XK đến Mỹ thì phải qua chiếu xạ tại Việt Nam nhằm loại bỏ các côn trùng gây hại (đây là yêu cầu của Mỹ). Trên thực tế, không đơn giản là trái cây sau đóng gói và chuyển đến nhà máy chiếu xạ là có thể XKđược.

Tại các nhà máy chiếu xạ, luôn có một chuyên gia người Mỹ có nhiệm vụ kiểm tra mẫu trái cây bằng mắt thường trước khi đưa vào chiếu xạ. Nếu chuyên gia Mỹ phát hiện trái cây dính đất, hoặc phát hiện có sâu bọ là hủy ngay lô hàng của DN.

 

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, một chủ DN chuyên XK trái cây sang Mỹ cho biết phía DN từng vài lần bị chuyên gia kiểm dịch Mỹ hủy các lô hàng chôm chôm do công nhân kiểm tra không kỹ trước khi đóng gói. Thậm chí, ngay tại trung tâm chiếu xạ ở Tp.HCM thì có khi DN còn bị hủy cả lô hàng chôm chôm đi Mỹ.

Hoặc như với trái thanh long được thu hái xong chuyển lên xe, chở đến nhà máy chiếu xạ, rồi dỡ hàng xuống để chiếu xạ, xong bốc hàng lên. Các công đoạn này xem ra rất bình thường, nhưng quá trình lên xuống hàng, rồi chạy qua máy chiếu xạ khiến trái thanh long bị sốc nhiệt khiến quả bị nhũn.

Chỉ sau này, khi DN hoàn thiện lại quy trình logistics mới giữ được trái có chất lượng. Đó là phải thu hoạch lúc 2 giờ sáng, đưa ngay vào nhà mát đóng hàn, chở hàng đến nhà máy chiếu xạ vào ban đêm, nhằm đảm bảo trái cây có sự cân bằng nhiệt độ.

Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng việc chiếu xạ trái cây XK sang Mỹ chỉ do một công ty tại Tp.HCM đảm nhận vì APHIS chỉ chứng nhận duy nhất cho trung tâm chiếu xạ tại đây. Điều này khiến cho các mặt hàng trái cây ở miền Bắc như nhãn, xoài muốn XK sang Mỹ phải vận chuyển vào Tp.HCM mới chiếu xạ được.

Chính vì vậy khiến cho DN tốn thêm chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu kho…ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của sản phẩm. Và khi trái cây XK sang Mỹ bị gián đoạn thì DN sẽ thiệt hại rất nhiều vì đã ký hợp đồng với đối tác, ký hợp đồng bao tiêu nhà vườn…

 

Bên cạnh vấn đề về chiếu xạ, để khơi thông trái cây Việt sang Mỹ, theo giới chuyên gia thì các DN nên có công nghệ bảo quản trái cây giữ độ tươi lâu hơn và không được lạm dụng chất bảo quản, không bị dư lượng thuốc, nhằm vận chuyển theo đường biển hơn là đường hàng không.

Bởi vì việc vận chuyển bằng tàu tính theo container, với chi phí khoảng 2.500 USD/container. Mà một container chứa được hơn 10 tấn hàng. Sự chênh lệch chi phí giữa vận chuyển hàng không và đường biển sẽ giúp trái cây Việt Nam khi sang Mỹ sẽ có giá thành cạnh tranh hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm