Đề xuất bổ sung 7 điều để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp
DNVN - Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, trong đó đề xuất sửa đổi 53 điều, bãi bỏ 2 điều và bổ sung 7 điều để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập DN; cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự kinh doanh và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nam Định: Nuôi vịt to xác, bán chạy như tôm tươi, thu tiền tỷ mỗi năm / Thu hút FDI 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 90% năm ngoái
Về nội dung đăng ký doanh nghiệp (Chương I và II), dự thảo của Bộ KH & ĐT đề xuất sửa đổi Điều 1 để bổ sung hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết trong đăng ký doanh nghiệp, gồm: thủ tục đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng (bãi bỏ khoản 2 và khoản 5 Điều 44); thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (bãi bỏ Điều 12); thủ tục gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới (bãi bỏ khoản 1 Điều 34, khoản 4 Điều 46);
Bãi bỏ yêu cầu phải nộp Điều lệ doanh nghiệp khi đăng ký thành lập công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (các Điều 21, 22 và 23).
Ngoài ra, dự thảo đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 48 để quy định thời hạn góp vốn không bao gồm thời gian nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính trong trường hợp người thành lập doanh nghiệp, cổ đông góp vốn bằng tài sản.
Việc sửa đổi các quy định có liên về doanh nghiệp nhà nước để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết trung ương 5 đòi hỏi không chỉ sửa đổi tại Chương IV về doanh nghiệp nhà nước, mà còn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại các chương III và V, cụ thể như sau:
Bổ sung Điều 87a về doanh nghiệp nhà nước, theo hướng liệt kê rõ những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước.
Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì áp dụng quy định về tổ chức quản lý theo Chương IV Luật doanh nghiệp. Đồng thời, đổi tên Chương từ ‘doanh nghiệp nhà nước’ thành “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ’. Doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước thì tùy vào hình thức pháp lý sẽ áp dụng quy định về tổ chức quản lý tương ứng áp dụng chung cho các doanh nghiệp. Nếu là công ty TNHH thì áp dụng Mục 1 Chương III – công ty TNHH 2 thành viên trở lên); nếu là công ty cổ phần thì áp dụng Chương V về công ty cổ phần.
Đối với quy định về công ty TNHH có phần vốn góp chi phối của Nhà nước, hoàn thiện các quy định về: phải thành lập Ban kiểm soát (trước đây chỉ yêu cầu nếu có trên 11 thành viên – Đ.55); bổ sung Điều 65a về Ban kiểm soát; bổ sung điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện giám đốc – điều kiện chuyên môn, kinh nghiệp, mở rộng đối tượng người có liên quan không được làm giám đốc để bao gồm: anh, em chồng, con rể, con dâu (Điều 65); quy định rõ hơn về chấp thuận hợp đồng giao dịch với người có liên quan (Điều 67); bổ sung Điều 72a về minh bạch hóa, công khai hóa thông tin.
Đối với công ty cổ phần có cổ phần chi phối của nhà nước, hoàn thiện các nội dung sau đây: quy định rõ về cổ phần ưu đãi biểu quyết (cổ phần ‘vàng’ của nhà nước – không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi (Điều 113); bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) (Điều 113); bổ sung điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện thành viên HĐQT, giám đốc – điều kiện chuyên môn, kinh nghiệp, đối tượng người có liên quan không được làm giám đốc (bổ sung khoản 5 Điều 157); bổ sung yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm soát viên (bổ sung khoản 2 Điều 164).
Đối với Công ty cổ phần (Chương V): dự thảo đề xuất sửa đổi khoản 2, 3 Điều 113, bổ sung khoản 7 Điều 113 để nêu rõ đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức mà Chính phủ chỉ định nắm giữ thì không có hạn chế về thời hạn và không hạn chế số lượng tối đa quyền biểu quyết tương ứng.
Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) (Điều 113). Đồng thời, bổ sung khoản 6 Điều 144 về quyền biểu quyết đối với cổ phần phổ thông đã được lưu ký để phát hành Chứng chỉ ký quỹ không có quyền biểu quyết để tương thích với nội dung được sửa đổi tại Điều 113.
Sửa đổi các khoản 2 Điều 114, khoản 4 Điều 149, khoản 1 Điều 161: bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền nhất định, ví dụ như giới thiệu ứng cử viên HĐQT, xem xét, trích lục thông tin của công ty,...
Bổ sung khoản 4 Điều 115 quy định rõ trách nhiệm của cổ đông trong việc bảo mật các thông tin mà cổ đông có quyền được xem xét, tra cứu, trích lục từ công ty.
Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 134: thay cụm từ “Ban kiểm toán nội bộ thuộc HĐQT” thành “Ủy ban kiểm toán thuộc HĐQT” để phù hợp với thuật ngữ trên thực tế các công ty hiện đang sử dụng; phân biệt rõ ràng hơn với Ban kiểm toán nội bộ thuộc của công ty.
Sửa đổi cách diễn đạt tại khoản 1 Điều 137 để thống nhất cách hiểu đúng và chính xác về thời điểm phải lập danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông: Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không quá 05 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn.
Sửa đổi khoản 1 Điều 140 để đảm bảo cho cổ đông lựa chọn việc ủy quyền tốt nhất để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình- Sửa đổi khoản 1 Điều 144 để làm rõ thêm quy định về bầu dồn phiếu là một chế định bầu thành viên Hội đồng quản trị đặc biệt, tách bạch với cơ chế thông qua Nghị quyết khác, quy định tại khoản 1 và 2 Điều 114.
Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 151 theo hướng giải thích rõ hơn điều kiện về thời gian làm việc đối với thành viên Hội đồng quản trị độc lập, trong trường hợp người này thực hiện 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Sửa đổi khoản 3 Điều 158 theo hướng mở rộng quyền cổ đông, hạn chế HĐQT, Giám đốc, Tổng Giám đốc lạm dụng quyền hạn của mình cho lợi ích cá nhân.
Sửa đổi khoản 2 Điều 163 quy định rõ hơn khái niệm “chuyên trách” là “không đồng thời đảm nhiệm công việc khác tại công ty”; thay yêu cầu “phải là kiểm toán hoặc kế toán viên chuyên nghiệp” bằng “có trình độ chuyên môn tương đương kiểm toán viên hoặc kế toán viên”.
Bãi bỏ khoản 2, 3 Điều 127 để đảm bảo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tương thích giữa các quy định hiện hành (điều kiện, trình tự, thủ tục của hoạt động này đã được quy định chi tiết tại Luật chứng khoán, Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp).
Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 139; đồng thời sửa đổi khoản 2 Điều 140: bổ sung quy định rõ ràng hơn: Văn bản ủy quyền được lập theo quy định của Luật dân sự và phải nêu rõ tên người và số lượng cổ phần được ủy quyền.
Đối với Công ty hợp danh (Chương VI) và doanh nghiệp tư nhân (Chương VII): Bổ sung quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt, như: chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, bị tạm giam, kết án tù, bị tước quyền hành nghề,... đối với thành viên hợp danh (khoản 1 Điều 180) và chủ doanh nghiệp tư nhân (bổ sung Điều 187a).
Đối với Hộ kinh doanh: Bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh (bao gồm Điều 187b, 187c) theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của ‘hộ kinh doanh’ bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Liên quan tới Tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp (Chương IX): dự thảo đề xuất bổ sung Điều 199a về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần...
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo