Thị trường

Đề xuất giảm sở hữu chéo, ngăn chặn rủi ro cho vay

Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi đề xuất giảm giới hạn cho vay tối đa vì quy mô vốn tự có của tổ chức tín dụng đã tăng nhanh, từ 2 - 10 lần so với cách đây 10 năm.

Giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế / Giá vàng ngày 20/6/2023: Vàng tiếp tục giảm

Trong dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, một nội dung đang nhận được sự quan tâm của thị trường đó là đề xuất giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan từ mức tối đa 25% xuống 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tổng mức cấp vốn cho một khách hàng cũng giảm từ 15% xuống 10%. Sự thay đổi này được nhận định nhằm giảm rủi ro và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo.

Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi đề xuất giảm giới hạncho vaytối đa vì quy mô vốn tự có của tổ chức tín dụng đã tăng nhanh, từ 2 - 10 lần so với cách đây 10 năm. Điều này đồng nghĩa, số dư nợ tuyệt đối cho vay một khách hàng hoặc với nhóm người có liên quan cũng tăng lên rất nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ trong hoạt động ngân hàng.

"Mục đích là để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giảm rủi ro tập trung cho vay quá nhiều vào một cá nhân liên quan. Đặc biệt, đề xuất này nhằm ngăn chặn tình trạng ngân hàng huy động vốn cho công ty sân sau là tập đoàn bất động sản", anh Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, cho biết.

Đề xuất giảm sở hữu chéo, ngăn chặn rủi ro cho vay - Ảnh 1.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang rất cần vốn để phục hồi tăng trưởng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Cái này nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo, qua đó làm giảm nguy cơ rủi ro đến từ hoạt động cho vay với các bên liên quan. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ lành mạnh của tập đoàn tài chính", PGS. TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, đánh giá.

Đồng tình với việc giảm tỷ lệ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có lộ trình giảm dần dần. Bởi hiện tại, các doanh nghiệp đang rất cần vốn để phục hồi tăng trưởng. Nếu giảm mạnh sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn vốn thay thế ngân hàng, nhất là với các dự án cần vốn lớn, như các dự án cơ sở hạ tầng.

"Nên giảm từ 25% xuống 20%. Đây là mức phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay. Ví dụ, hiện nay có những tổ chức tín dụng lớn có vốn chủ sở hữu lớn khoảng 100.000 tỷ đồng, như vậy hạn mức tín dụng tối đa cung cấp cho doanh nghiệp và các công ty con chỉ khoảng 15.000 tỷ, đôi khi 1 - 2 dự án là đã ngốn hết phần hạn mức tín dụng đó", ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần có những giải pháp đẩy mạnh các kênh huy động vốn trung dài hạn khác qua thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần, trái phiếu... để doanh nghiệp có thể giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Điều này cũng góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh hơn theo thông lệ quốc tế.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm