Thị trường

Đề xuất giảm thuế cho DN: Bộ Tài chính "bỏ qua" DN quy mô vừa

DNVN - Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp quy mô vừa sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi về thuế.

Giải pháp nào để tin đồn không còn "đất sống" trên thị trường chứng khoán? / Chi cho khoa học công nghệ của VN khoảng 0,44% GDP là khá thấp

Theo thông tin đăng tải trên website của Bộ Tài chính, lý giải về việc không đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp (DN) quy mô vừa, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, nếu đề xuất giảm thuế cho cả nhóm doanh nghiệp vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi và có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳn trong khi nhóm DN vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn như vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...
Được biết, dự án Nghị quyết của Quốc hội do Bộ Tài chính xây dựng đề xuất giảm thuế thu nhập DN về 15-17% cho nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính. (Ảnh: Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính. (Ảnh: Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết, đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ là nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
Theo giải thích của ông Hưng, thực tế là số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn trong tổng số DN tại Việt Nam và nếu tính cả số lượng DN có quy mô vừa thì nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số DN tại Việt Nam. Nếu việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cả nhóm DN vừa thì gần như toàn bộ DN tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển", ông Hưng giải thích.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hưng, nếu áp dụng chính sách ưu đãi cho cả doanh nghiệp vừa thì có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp vừa với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ,
Mặt khác, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định đối tượng doanh nghiệp để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Và nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp vừa thì có thể làm giảm thu ngân sách hơn 19.500 tỷ mỗi năm.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết thêm, đề xuất được đưa ra còn nhằm tránh tình trạng ưu đãi tràn lan, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Đây là những lý do trên khiến Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi tập trung dành cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, là những đối tượng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm