Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 gợi ý những hàm ý chính sách
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững / Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Sáng nay (5/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn. Cùng tham dự Diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương…
Diễn đàn được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức, được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu tại địa phương và 3 điểm cầu quốc tế, tập hợp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các nhà quản lý, hoạch định và thực thi chính sách.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ướcđộ khoảng 4 %, thấp hơn mức bình quân của các nước trên thế giới.
Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là một trong những nhiệm kỳ mà tất cả các cái khung khổ quyết định cho phát triển kinh tế 5 năm, thậm chí là với tầm nhìn dài hạn hơn đã được Trung ương có chủ trương và Quốc hội đã ban hành toàn bộ các nghị quyết về khung khổ này.
Đồng thời, trong Nghị quyết của kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền, chương trình tổng thể đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm, thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đồng thời xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho 2 chương trình này phục vụ cho mục tiêu là chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét và quyết định sớm.
Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 lần này là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liệu lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
“Chủ đề của Diễn đàn là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ rất nặng nề trong việc nghiên cứu và thiết kế các chính sách này để đạt được các mục tiêu nêu trên”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Các nội dung trọng tâm của Diễn đàn này được các diễn giả, các nhà khoa học cập nhật, đánh giá về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới, cập nhật những vấn đề mới nhất. Những phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và trực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới trong thế giới toàn cầu hóa, nhất là Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với khu vực và thế giới. Các diễn giả trìnhbày về kinh nghiệm quốc tế kể cả trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn được lắng nghe những ý kiến đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội hiện nay, những kiến nghị đề xuất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
“Một nội dung rất quan trọng nữa của Diễn đàn là chúng ta sẽ trao đổi, giải đáp câu hỏi sẽ huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn đang hạn chế; chúng ta sẽ phân bổ các nguồn lực vào các nội dung mục tiêu cụ thể nào trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam; giải đáp được câu hỏi là năng lực hấp thụ với nền kinh tế, nhất là trong điều kiện chúng ta còn những điểm nghẽn, những vướng mắc... như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân đầu tư công… Làm sao giải quyết được những điểm nghẽn để tăng cường năng lực hấp thụ vốn. Đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phòng-chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi đề ra và tổ chức thực hiện các nhóm chính sách và các giải pháp này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong Diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung.
Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Chính phủ rất muốn nghe ý kiến cởi mở, toàn diện đến từ cả những người thực thi chính sách và cả những người có sứ mệnh quyết định chính sách. Do vậy, tính chất của Diễn đàn rất mở, diễn đàn kinh tế nhưng được kết nối rất rộng và có phạm vi rất rộng. Đây cũng là diễn đàn rất đa chiều, tương tác. Ngoài hai chữ P đó là Phục hồi và Phát triển thì Diễn đàn này thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa hai chữ C đó là Chính sách và Cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống một cách trôi chảy và hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'