Thị trường

Điều gì đang xảy ra với ngành điều?

Các doanh nghiệp trong ngành chế biến hạt điều đang sản xuất cầm chừng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn tới giá điều thô trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm gần đây.

Quảng Bình: Cải thiện điều kiện lao động để đưa thương hiệu vươn xa / Giá xăng trong nước sắp điều chỉnh mạnh, có thể về mức 15.000 đồng/lít

Theo phản ánh, tác động của dịch Covid-19 đang khiến giá điều thô trong nước đã giảm xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm qua.

Giá điều thô thấp kỷ lục

Giá hạt điều thô tại tỉnh Đồng Nai được thương lái thu mua ở mức 18.000 - 19.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 2/2020.

Doanh nghiệp chế biến điều hoạt động cầm chừng (Ảnh minh họa: Internet)

Doanh nghiệp chế biến điều hoạt động cầm chừng (Ảnh minh họa: Internet)

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ thu hoạch hạt điều năm nay gặp nhiều khó khăn do sản lượng, chất lượng và giá thành đều giảm. Hiện, tỉnh này đang bước vào vụ thu hoạch hạt điều, sản lượng giảm từ 1,8 tấn/mẫu xuống còn 1,1 tấn/mẫu. Nguyên nhân chính là do thời tiết không thuận lợi, tại thời điểm ra bông gặp sương muối nên bông bị khô, rụng nhiều dẫn đến tỷ lệ đậu trái rất thấp. Chất lượng hạt điều cũng giảm đáng kể, hạt nhỏ. Giá điều thô giảm từ 29.000 đồng/kg xuống còn 21.000 đồng/kg.

Diện tích trồng điều của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 8.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc. Tuy nhiên, diện tích trồng điều có xu hướng giảm mạnh do cây điều già cỗi hoặc lợi nhuận thấp nên người dân chặt bỏ.

Tại tỉnh Đồng Nai, diện tích hạt điều trên địa bàn giảm mạnh 2,5 nghìn ha so với năm 2019, xuống còn gần 34.000 ha. Nguyên nhân chính là do giá hạt điều thô liên tục giảm, lợi nhuận mang lại thấp hơn nhiều so với nhiều loại cây lâu năm khác. Ngoài ra, cây điều dễ bị mất mùa do thời tiết thất thường.

Ngành chế biến hạt điều xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, tiêu thụ hạt điều tại thị trường nội địa giảm. Các doanh nghiệp trong ngành chế biến hạt điều đang sản xuất cầm chừng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt điều loại W320 đạt 21,8 nghìn tấn, trị giá 165 triệu USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hạt điều loại W320 sang nhiều thị trường giảm, gồm: Australia, Trung Quốc, Italia, Pháp... Giá xuất khẩu bình quân hạt điều loại W320 trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 7.550 USD/tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Chờ thị trường sáng lên vào 6 tháng cuối năm

Hiện, nguồn cung hạt điều thô rất dồi dào, Việt Nam đang trong thời gian thu hoạch rộ, trong khi Campuchia và các nước khu vực Tây Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà cho năng suất hạt điều cao. Sản lượng hạt điều dồi dào trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến tiêu thụ hạt điều chế biến giảm sẽ đẩy giá hạt điều thô tiếp tục đi xuống. Tuy vậy, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp chế biến hạt điều giám sát chặt chẽ thị trường để đưa ra kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp trong năm nay, bao gồm mua hạt điều thô, bán hạt điều chế biến và lưu trữ nguyên liệu và thành phẩm.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định lượng điều nhân xuất khẩu và giá sẽ giảm mạnh, kế hoạch 4 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020 của ngành điều sẽ phải điều chỉnh giảm. Mức giảm cụ thể của kế hoạch sẽ được xem xét kỹ lưỡng, có thể điều chỉnh xuống 3 tỷ USD. "Quan trọng là các nhà máy nên mua bán chậm lại, cập nhật thông tin thị trường liên tục để đưa ra phương án mua bán hợp lý", ông Công khuyến cáo.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cũng lưu ý hạt điều là một loại thực phẩm dùng hàng ngày có giá trị dinh dưỡng cao nên nhu cầu vẫn không nhỏ. Các nhà máy không vì thế mà quá bi quan, đồng thời cũng nên có kế hoạch sẵn cho năm 2021.

 

Các chuyên gia phân tích thị trường dự báo, thị trường xuất khẩu điều sẽ hồi phục sau khi dịch Covid-19 được khống chế, doanh nghiệp có thể tính phương án đẩy mạnh xuất khẩu cho giai đoạn 6 tháng cuối năm nay. Trong đó, tiềm năng từ thị trường châu Âu là rất lớn.

Cụ thể, với thị trường Đức, theo số liệu tính toán từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hạt điều của nước này năm 2019 đạt 60,2 nghìn tấn, trị giá 426,2 triệu Euro (tương đương 475,2 triệu USD), tăng 26,4% về lượng và tăng 1,9% về trị giá so với năm 2018. Hạt điều được người dân Đức sử dụng làm đồ ăn nhẹ, nhu cầu lớn đối với hạt điều cỡ vừa, cỡ nhỏ phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm của thị trường này. Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu hạt điều loại W320, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người Đức.

Dự báo nửa cuối năm 2020, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Đức sẽ khả quan hơn khi dịch bệnh được khống chế và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực tiễn. Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp, đồng thời có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại như quảng bá trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và kết thúc.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm