Doanh nghiệp cần được hỗ trợ đầu tư về khoa học - công nghệ để tận dụng lợi thế từ EVFTA
DNVN - Tròn 2 năm kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp và tận dụng tương đối tốt các lợi thế từ hiệp định, từ đó tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu. Tuy vậy, dư địa khai thác thị trường tiềm năng này còn nhiều.
Nhận định chứng khoán tuần từ 8 - 12/8: Mức độ quan tâm của nhà đầu tư được cải thiện / Giá vàng sẽ khó hồi phục trong tuần này?
Doanh nghiệp bắt nhịp khá tốt
Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 2 năm thực thi hiệp định, nhiều ngành hàng của Việt Nam đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.
Tại Tọa đàm "Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng" do Báo Công Thương tổ chức sáng 8/8, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: Từ góc độ tổng thể, có thể nói, sau 2 năm thực thi EVFTA, các DN Việt Nam tận dụng đa dạng cơ hội từ hiệp định, tập trung vào các mặt hàng chúng ta có thể mang lại lợi thế tốt. Những mặt hàng có thuế cao, được cắt giảm mạnh như rau quả, thuỷ sản đều tăng trưởng tốt. DN Việt Nam đã tiếp cận đa dạng thị trường bởi tất cả các thành viên EU đều nhập khẩu từ Việt Nam. Tư duy của DN đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu của EU và đưa hàng vào một cách bài bản.
Nói rõ hơn về việc DN đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, các DN đã có sự làm quen và bắt nhịp được khá tốt. Theo đó, hai quý đầu năm 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này.
Theo các diễn giả, DN Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA.
Con số này phần nào cho thấy DN Việt Nam đã nắm rõ và hiểu được giá trị của hiệp định cũng như vai trò của chứng nhận xuất xứ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, những ngành hàng như thủy sản, rau quả và gạo là những ngành có tăng trưởng xuất khẩu lớn vào thị trường EU thời gian qua. Đồng thời cũng là những ngành có tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ về chứng nhận xuất xứ EUR.1 khá cao, đặc biệt với mặt hàng gạo tỷ lệ này là 100%. Điều đó, cũng thể hiện DN đã nhanh chóng nắm bắt và tận dụng được quy định này.
Với lĩnh vực thủy sản - một trong những ngành được hưởng lợi từ EVFTA, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, các DN thủy sản đã biết tận dụng cơ hội, lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.
Năm 2020, nhóm thuỷ sản chủ lực như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.
Năm 2021, sau khi EU mở cửa lại thị trường, thuỷ sản xuất khẩu tăng mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12%, ngoại trừ xuất khẩu cá tra giảm 17%.
Sang năm 2022, hết quý II, EU là thị trường nằm trong 3 nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính, kể cả cá tra, đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Dư địa còn nhiều
Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt những lợi thế từ EVFTA, nhưng theo ông Ngô Chung Khanh, dư địa tại thị trường EU vẫn còn nhiều.
"Thị phần rau quả chưa đến 4%, thủy sản 8%. Còn xuất khẩu gạo vào EU rất thấp, vì chúng ta mới có EVFTA. Trước đây chúng ta không cạnh tranh được với gạo các nước như từ Campuchia. Chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chúng ta chưa tập trung. Qua đó thấy, dư địa để tận dụng hiệp định còn rất lớn", ông Ngô Chung Khanh nhìn nhận.
Lý do khiến Việt Nam chưa tận dụng hết các lợi thế của EVFTA là văn hoá kinh doanh, tư duy kinh doanh của DN Việt Nam. Chất lượng hàng hóa của các DN không đồng đều, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, dư địa để tận dụng lợi thế của hiệp định còn rất lớn.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải phân tích: Sản phẩm của Việt Nam đa phần ở dạng nguyên liệu thô hoặc tỷ lệ sơ chế rất thấp. Thường những sản phẩm như thế sẽ ít có thương hiệu, bởi cũng chưa phải là sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Bởi vì để có thể đến châu Âu, vẫn phải qua vài công đoạn chế biến, đặc biệt là công đoạn cuối cùng khi đưa vào phân phối tiêu thụ mang tên của các nhà phân phối ở thị trường đó.
Trong khi đó, chỉ ra những thách thức của ngành, bà Lê Hằng cho biết, xuất khẩu thủy sản đối mặt với rào cản lớn là thẻ vàng IUU. Đây là hạn chế cho việc chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc… từ đó gây khó cho xuất khẩu sang EU.
Và nguồn nguyên liệu dù chỉ chiếm một phần nhỏ khi xuất khẩu sang EU nhưng đang là cản trở trong việc tận dụng thuế quan để xuất khẩu thuỷ sản sang EU, mặc dù phần lớn hải sản đông lạnh như mực bạch tuộc… thuế quan đã về 0% khi EVFTA có hiệu lực...
Cần hỗ trợ về khoa học - công nghệ
Với những phân tích về thách thức, tồn tại trên, các diễn giả có chung nhận định, để tận dụng tốt con đường “cao tốc EVFTA", đẩy nhanh quá trình thâm nhập vào các quốc gia thành viên EU, đến với các thị trường khó tính khác, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các DN tận dụng cơ hội từ các cam kết quốc tế, thông tin những cơ hội thị trường từ các đơn vị của Bộ Công Thương.
Các DN, ngành hàng cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện chất lượng, đảm ứng các yêu cầu về xuất xứ. Thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Với ngành thủy sản, bà Lê Hằng cho biết, để tận dụng thị trường EU, trước hết chúng ta phải tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thể xanh để tăng cơ hội cho thuỷ sản.
Với những thách thức về cạnh tranh với các nước khác từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chưa có khu vực sản xuất tập trung, theo bà Lê Hằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư về khoa học - công nghệ cho con giống, thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt là tăng cường các giải pháp để tận dụng được chế biến phụ phẩm trong ngành thuỷ sản, bởi phụ phẩm chiếm khoảng 40-50% sản lượng thuỷ sản.
Bà Hằng bày tỏ mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương để hướng dẫn DN tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan, cũng như áp dụng tốt nhất các quy tắc xuất xứ để giảm bớt các vướng mắc khi xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo