Thị trường

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ hưởng ưu đãi theo Nghị định 13 còn ‘nhỏ giọt’

Trao đổi với báo Tin tức, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Mặc dù Nghị định 13/2019 được xem là bước đột phá về cơ chế hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa học và công nghệ với các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… nhưng khi thực thi, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc.

Mặt hàng bao bì có tiềm năng xuất khẩu tới các thị trường khó tính / Giá xăng quay đầu giảm mạnh

Chú thích ảnh
ThaiBinh Seed hiện sở hữu bàn quyền 21 giống cây trồng. Ảnh: CTV

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) đối với 167 doanh nghiệp thành viên, phần lớn các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Hiện chỉ có 6 doanh nghiệp được thụ hưởng với tổng số tiền là 91 tỷ đồng; 18 doanh nghiệp chưa biết cách để tiếp cận cơ chế ưu đãi; 01 doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm KHCN nhưng không đủ tỷ lệ 30% để nhận ưu đãi; 141 doanh nghiệp chưa được hưởng cơ chế ưu đãi.

Nghị định 13 quy định doanh nghiệp KHCN được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phảiđáp ứng điều kiện, trước tiên doanh nghiệp KHCN phải là một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có kết quả nghiên cứu thuộc một trong những lĩnh vực sau:Thứ nhất có thể sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, bố trí mạch tích hợp hoặc những chương trình máy tính được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận.

Thứ hai, doanh nghiệp đang sở hữu những giống cây trồng, vật nuôi mới được tạo ra trên cơ sở ứng dụng KHCN mới được xem xét thụ hưởng ưu đãi. Thứ ba, nếu doanh nghiệp liên kết với các đơn vị khác hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, sau một thời gian làm chủ được công nghệ và tạo ra được những sản phẩm của riêng mình thì được công nhận là doanh nghiệp KHCN.

“Trước thực tế nhiều doanh nghiệp chưa được thụ hưởng ưu đãi từ Nghị định 13, bên cạnh kiến nghị Nhà nước sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu - thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo, chúng tôi đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập Cơ chế chính sách đặc thù, xemđầu tư nghiên cứu KHCN là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước. Bộ KH&CN tạo điều kiện cho VST được hợp tác, tiếp cận, thụ hưởng các nguồn lực KHCN của các Tổ chức quốc tế hỗ trợ cho doanh nghiệp KHCN Việt Nam”, ông Hoàng Đức Thảo kiến nghị.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện chưa có cơ chế thiết thực để bảo hộ thị trường, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới. Cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ban hành chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời. “Doanh nghiệp gặp khó trong đổi mới công nghệ; việc công nhận giống cây trồng mới chậm trễ do thay đổi của Luật Trồng trọt, đặc biệt vấn đề bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp nông nghiệp còn chưa cao”, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết.

 

Bên cạnh chính sách thuế được các doanh nghiệp KHCN đánh giá là chưa được ưu tiên, đại diện ThaiBinh Seed nhấn mạnh: Việc thực hiện các đề tài, dự án có hỗ trợ ngân sách Nhà nước còn nhiều thủ tục, phức tạp. Ngân sách dành cho KHCN giảm dần qua các năm từ 1,1% năm 2017 xuống còn 0,82% năm 2023. Không chỉ vậy, ông Trần Mạnh Báo còn cho biết thêm: Nguồn nhân lực phục vụ hoạt động KH&CN còn thiếu và yếu. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho nhân lực thuộc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; cải thiện thủ tục hành chính trong khâu chứng nhận các sản phẩm KH&CN.

Từng đề cập về mức chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ôngNguyễn Chí Dũng cho biết: Từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho KHCN đều giảm dần trong các năm, hiện thấp nhất là 0,82%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định, phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN và trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST), tăng dần theo nhu cầu phát triển của KHCN.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, con số chi như trên là đáng báo động, trong đó có nguyên nhân từ các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển KHCN; chưa có những Đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn, thậm chí có những địa phương không bố trí vốn hoặc rất thấp cho phát triển KH&CN.

“Hiện có hơn 700 doanh nghiệp KHCN được công nhận trên tổng số 3.000 doanh nghiệp tiềm năng. Doanh nghiệp KHCN có nhiều sản phẩm, dịch vụ được thương mại hóa ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như: Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… VST mong các cơ quan ban ngành tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp KHCN Việt Nam về chính sách ưu đãi, đầu tư đổi mới công nghệ, cơ chế xét duyệt cấp chứng nhận doanh nghiệp KHCN,từ đó khích lệ các doanh nghiệp xem KHCN tích cực đầu tư, nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm, công nghệ đạt chuẩn, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế”, bà Phan Thị Mỹ Yến - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VST chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.

Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ KH&CN cho biết: Bộ đang lập đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật KH&CN, dự kiến trình năm nay; đồng thời đề xuất sửa đổi các quy định của Luật KH&CN làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KHCN.

 

“Bộ KH&CN sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình phát triển doanh nghiệp KH&CN cụ thể, kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ; hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, Viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; tạo điều kiện cho doanh nghiệp KHCN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia”, ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm