Thị trường

Doanh nghiệp Tiền Giang tham gia liên kết tiêu thụ lúa gạo

DNVN - Thời gian tới, ngành nông nghiệp Tiền Giang tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết với nông dân và hợp tác xã tiêu thụ lúa gạo.

Thanh Hóa: Nuôi cá từ nước thác mát trong, “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng mỗi năm / TP.HCM: Phát hiện cơ sở sản xuất khẩu trang có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu

UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trong vụ Đông xuân 2019 - 2020, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được trên 57.000 ha, đạt 98,04% chỉ tiêu kế hoạch và giảm 7.256 ha so với vụ Đông xuân năm trước do tác động tích cực từ việc cơ cấu cây trồng và hoạt động chuyển vụ né hạn, mặn ở những địa bàn khó khăn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến cuối tháng 3/2020, địa phương đã cơ bản thu hoạch xong vụ Đông xuân với năng suất bình quân 76,5 tạ/ha và sản lượng trên 388.800 tấn lúa.

Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã tham gia liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa với nông dân trên diện tích 3.800 ha và 5.029 hộ nông dân tham gia.

thúc đẩy hợp tác, liên kết trong tiêu thụ lúa gạo

Tiền Giang thúc đẩy hợp tác, liên kết trong tiêu thụ lúa gạo.

Đầu ra của hạt lúa hàng hóa thuận lợi, lúa có giá nên nông dân thu lợi nhuận khá. Với giá lúa trung bình cả vụ là 6.070 đồng/kg, tăng 20 đồng/kg so cùng kỳ năm trước, nông dân trừ chi phí còn lãi ròng 19,89 triệu đồng/ha, cao hơn 1,45 triệu đồng/ha so với vụ Đông xuân năm trước.

Trong vụ Đông xuân 2019 - 2020, nông dân Tiền Giang cũng xuống giống được trên 25.600 ha rau màu các loại. Bà con đã thu hoạch được khoảng 21.000 ha, sản lượng trên 421.000 tấn. Tùy theo loại rau màu, hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 1,1 đến 6,2 lần so với cây lúa năng suất cao. Đây được coi là thành công trong việc chỉ đạo, điều hành sản xuất vụ Đông xuân vượt qua thời tiết phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề nói chung.

Đặc biệt, ngay từ đầu vụ sản xuất, Tiền Giang đã triển khai các giải pháp chủ động ứng phó hạn, mặn nhằm sản xuất vụ Đông xuân thắng lợi, trong đó có việc khuyến cáo xuống giống theo lịch thời vụ tập trung phù hợp với từng vùng sinh thái: Vùng dự án Ngọt hóa Gò Công, vùng dự án Bảo Định, vùng kiểm soát lũ phía Tây,...

Đồng thời, địa phương quan tâm khuyến nông chuyển đổi về cơ cấu giống lúa, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trong điều kiện thời tiết, thủy văn khó khăn và phức tạp; tăng cường cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến thu hoạch và xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng hạt lúa hàng hóa tham gia thị trường; trồng lúa theo quy trình VietGAP, GlobalGAP an toàn và truy xuất nguồn gốc,...

 

Trong vụ Đông xuân, nông dân Tiền Giang gieo sạ nhóm lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm 78,9%, còn lại là các nhóm giống chất lượng trung bình, đồng thời có trên 100 ha lúa được cấp chứng nhận VietGAP.

Ngoài ra, để ứng phó hạn, mặn, trong vùng dự án Ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 9 điểm bơm trữ nước trong nội đồng và 415 điểm bơm chuyền hai, ba cấp tiếp nước cho các địa bàn khó khăn, xa nguồn nước.

Trong vùng dự án Bảo Định, tỉnh kết hợp cùng tỉnh Long An đắp 6 đập ngăn mặn, đồng thời chi thêm 16 tỷ đồng đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên vàm kênh Nguyễn Tấn Thành phục vụ nhu cầu tưới tiêu và cung ứng nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 dân trong tỉnh.

Theo đánh giá chung của ngành chức năng, trong vụ Đông xuân 2019 - 2020, mặc dù sản xuất trong điều kiện cực kỳ khó khăn nhưng nông dân địa phương đã vượt qua thách thức nhờ chú trọng phát huy vai trò khoa học, công nghệ, chủ động sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cũng như sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc kiện toàn mạng lưới thủy lợi phục vụ tưới tiêu chống hạn cứu lúa, có giải pháp phù hợp ứng phó thiên tai cho từng vùng đặc thù.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian tới, ngành nông nghiệp Tiền Giang tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết với nông dân và hợp tác xã tiêu thụ lúa gạo. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp đã có vùng nguyên liệu ổn định qua các năm và các công ty có nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.

 

Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất ôn định. Tăng cường phối hợp với các viện, trường nghiên cứu những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đưa vào sản xuất thay thế những bộ giống chất lượng kém.

Chia sẻ với báo giới, đại diện Công ty TNHH Phước Đạt, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu cho biết, chủ trương tái xuất khẩu gạo trong tháng 4 này là hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết lượng gạo tồn kho cũng như lượng hàng còn nằm tại cảng.

“Chính phủ cho xuất khẩu lại tôi cho là hợp lý, lý do là vùng ĐBSCL đang vô mùa vụ chính lúa Đông Xuân. Tuy có hạn mặn nhưng lúa được mùa được giá, người nông dân và doanh nghiệp rất phấn khởi. Giá gạo lên là do giá ở thế giới lên, đây là cơ hội cho doanh nghiệp - nông dân bán được giá tốt. Tôi thấy nên cho xuất khẩu lại, có kiểm soát nhẹ là hợp lý”, vị này nói.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm