Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản còn đối mặt nhiều khó khăn

DNVN - Xuất khẩu thuỷ sản trong 3 quý đầu năm nay có mức giảm khá lớn nhưng bắt đầu 1, 2 tháng trở lại đây, mức giảm được rút ngắn một cách tích cực ở một số nhóm hàng và thị trường.

Tuần giao dịch chứng khoán nhiều 'sóng gió' / Những tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản

Doanh nghiệp xuất khẩu đối diện nhiều khó khăn

Tại hội nghị giao ban thương vụ tháng 10/2023 với chủ đề “Đồng hành cùng ngành thuỷ sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu” chiều ngày 31/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng.

Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD. Đây là con số hết sức ấn tượng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, gam màu tối đã phủ bóng lên bức tranh toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm do sức cầu tiêu thụ ở các thị trường chính trong tình trạng “lao dốc”.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khó trong tiếp cận thị trường.

Từ nay đến cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, ngoài những rủi ro do những tác động của tình hình chính trị, kinh tế-xã hội toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thuỷ sản hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác thị trường do việc gia tăng các rào cản thương mại, yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm tại các thị trường tiêu thụ chủ lực như nhóm thị trường EVFTA, Mỹ…

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP)cho biết, thuỷ sản Việt Nam có cơ hội ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Đông. Hiện mức giảm kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông chưa đến 8% - thấp hơn nhiều so với mức giảm chung của ngành.

Trong khi đó, thách thức với DN xuất khẩu thuỷ sản thì rất nhiều khi thẻ vàng của EU chưa gỡ được. Châu Âu cũng đang siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm và đang đề nghị phía Việt Nam, cụ thể là Cục Quản lý chất lượng (Bộ NN&PTNT) cũng siết lại quy định trên nguyên tắc tất cả các thành phần trong chuỗi trên cạn đều phải được đánh giá tương đương với châu Âu, từ cảng cá đến các cơ sở thu gom, nhà máy.

Ngoài ra, bệnh dịch với ngành tôm, cụ thể là bệnh mờ đục hậu ấu trùng (TPD) tác động chồng ghép với dịch bệnh có sẵn chưa giải quyết được là bệnh vi bào tử trùng (EHP) cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành thuỷ sản.

Tín hiệu phục hồi

Phân tích về thực trạng xuất khẩu thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, 3 quý năm 2023 xuất khẩu thuỷ sản có mức giảm khá lớn, tương đương như thời gian có dịch COVID-19. Nhưng bắt đầu 1, 2 tháng trở lại đây mức giảm được rút ngắn một cách tích cực ở các nhóm hàng và thị trường.

VASEP thấy rõ sự giảm bớt mức tăng trưởng âm của kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hàng trong mấy tháng gần đây. Ví dụ, mặt hàng tôm từ mức giảm hơn 30% đến nay đã xuống dưới 10%. Đây là tín hiệu tích cực vì đây là ngành hàng “tỷ đô”. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng đạt 4,4 tỷ USD.

Trong gần 100 mặt hàng khác nhau xuất đi các thị trường, những tháng gần đây đón nhận thông tin tích cực. Những mặt hàng có sự tăng trưởng và nhận được sự quan tâm đáng kể gồm cá minh thái, cá tuyết, cá hồng, cá thu, cá hố, đuối, cá chim, cá trê, cá bòng, cá sòng… Một nửa trong số này là những mặt hàng thuộc gia công xuất khẩu.

Thông tin kém tích cực hơn lại nằm ở những mặt hàng chính của Việt Nam bị cạnh tranh nhiều. Đó là tôm, cá tra - mặt hàng chi phối 93% thị phần toàn cầu và cá ngừ. 3 mặt hàng này thuộc nhóm câu lạc bộ “tỷ đô” của VASEP.

Thuỷ sản Việt Nam bị cạnh tranh và chịu tác động bởi sự sụt giảm nhu cầu nên xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính như nhóm thị trường CPTPP, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều ghi nhận sự sụt giảm. Sự sụt giảm này ở 2 quý đầu năm 2023 rất nặng, đều từ 30 - 45%, thậm chí thị trường Mỹ lên tới 51% hồi tháng tư.

Xuất khẩu thuỷ sản bắt đầu có tín hiệu phục hồi trong 1, 2 tháng gần đây.

Tuy vậy, với rất nhiều nỗ lực của các bên, cơ quan quản lý đến DN cũng như sự điều chỉnh không đáng kể của nhu cầu thị trường, câu chuyện giảm kim ngạch xuất khẩu đã giảm bớt.

Thống kê của VASEP cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.

Doanh nghiệp mong được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ

Liên quan đến việc xúc tiến thương mại, theo Phó Tổng thư ký VASEP, hội chợ thuỷ sản ở Nhật Bản và hội chợ quốc tế thuỷ sản ở Thanh Đảo, Trung Quốc là những hội chợ chuyên ngành uy tín ở châu Á hiện nay, không thua kém hội chợ toàn cầu ở Tây Ban Nha. Các DN Việt Nam có nhu cầu cao tham gia hội chợ này.

Tuy vậy, tại hội chợ ở Nhật Bản, DN Việt Nam mang tính nhỏ lẻ, không có gian hàng quốc gia dù đây là 1 trong những thị trường lớn của Việt Nam.

Còn hội chợ Thanh Đào ở Trung Quốc vẫn chưa được phê duyệt cố định trong chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.

Thêm vào đó, chi phí tham gia các hội chợ quốc tế trong 1, 2 năm qua đã tăng lên khoảng 10%. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ cho các chương trình này ở góc độ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia chưa có điều chỉnh tăng, thậm chí còn dàn trải, bị cắt giảm.

Theo đó gây khó khăn ít nhiều cho các đơn vị chủ trì như VASEP. Các DN nhỏ và vừa rất cần nguồn hỗ trợ này bởi vì sự hỗ trợ như một sự kích cầu để họ tham gia nhiều hơn.

VASEP mong nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ Công Thương về các vụ kiện phòng vệ thương mại bởi thị trường hiện nay thay đổi quá nhanh. Cách đây mấy ngày, một hiệp hội chế biến thuỷ sản của Mỹ đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đề nghị kiện chống trợ cấp đối với 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Với thị trường Trung Đông, VASEP đề nghị Bộ Công Thương quan tâm đến thị trường này và hỗ trợ các DN. Đây là thị trường quan trọng và ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát thời gian qua, các tham tán có kết nối để các DN trong ngành tiếp cận và mở rộng thị trường.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm