Thị trường

Nhiều công ty tài chính lao đao vì thua lỗ, nợ xấu tăng mạnh

DNVN - Chia sẻ tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen”, sáng ngày 31/10, TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%.

MBBank: Nợ xấu tăng hơn 3.420 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm / Tỷ lệ nợ xấu của BaoVietBank chạm ngưỡng 4,69%, lợi nhuận sau thuế lao dốc

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép cải cách thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay nhằm hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.

Chia sẻ tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen”, sáng ngày 31/10, TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mặc dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn cùng với diễn biến khó lường kinh tế toàn cầu song đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế (tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%).

Nợ xấu của các công ty tài chính đã lên 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%.

“Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao”, ông Hùng nói.

Giải thích nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ông Hùng cho rằng, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm hiện chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ. Thậm chí, cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.

Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội “bùng nợ” trên Zalo, Facebook... nhưng không bị xử lý. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay.

Điều này dẫn tới việc thực tế dư nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ). Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng. Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy. Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi, nhất là trên môi trường mạng.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là rất khiêm tốn. Số liệu trên cũng cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là rất lớn.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm