Thị trường

Doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, Unilever, Coca Cola Việt Nam đang làm gì để bảo vệ môi trường?

DNVN - Trong bối cảnh rác thải nhựa đang là vấn đề báo động, Unilever phối hợp với một số đối tác thu gom và tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa tái sinh. Còn Coca Cola Việt Nam mỗi năm sử dụng hơn 1,5 tỷ lít nước nhưng thực hiện bồi hoàn khoảng 3,5 tỷ lít thông qua hoạt động hỗ trợ bảo tồn nguồn nước.

Thu hút và giữ chân nhân tài Gen Z, doanh nghiệp cần gì? / Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho hàng hóa thực sự thiết yếu

Thu gom, tái chế gần 20.000 tấn nhựa trong 2 năm

Thực hành khung đánh giá môi trường - xã hội - quản trị (ESG) nhằm hướng tới tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng chủ đạo, là bộ tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp (DN) quản lý rủi ro cũng như cơ hội một cách hiệu quả.

Theo tinh thần của Quyết định 167/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, thực hiện ESG cũng chính là sản xuất và kinh doanh bền vững. Lợi ích kinh tế của DN phải hài hòa với lợi ích của môi trường - xã hội, đó là người lao động, đối tác, tổ chức tín dụng, khách hàng, bạn hàng và xã hội. Nếu không làm được điều đó, DN sẽ suy giảm cạnh tranh, thậm chí không thể tồn tại trong bối cảnh đối tác, bạn hàng ngày càng đòi hỏi cao về phát triển bền vững (PTBV) của DN.

Thời gian qua, việc thực hành ESG đã được các DN triển khai thông qua những sáng kiến hướng đến PTBV. Nhiều đơn vị xem việc thực hành ESG tốt là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.

Một số DN đã đưa ra các mô hình kinh doanh vì tự nhiên - kinh doanh tạo tác động tích cực đến môi trường. Đây là một những giải pháp tối ưu nhất cho mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) tại DN, đồng thời là thông lệ tốt cho các DN khác học hỏi.

Tại diễn đàn "Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023" diễn ra mới đây, bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Unilever Việt Nam cho biết, PTBV hay ESG chính là tăng trưởng DN và hai vấn đề này không thể tách rời nhau.

Điều quan trọng là không có một DN nào có thể phát triển tốt trong môi trường nước biển dâng, dịch bệnh, chiến tranh, bất bình đẳng. DN chỉ phát triển được khi có xã hội tốt và môi trường tốt. Đây là điều mà các DN đều muốn PTBV và mang lại lợi ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không thể tách rời bảo vệ môi trường.

Về yếu tố môi trường, rác thải nhựa đang là vấn đề báo động, Unilever đã phối hợp với một số đối tác để cùng thu gom và tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa tái sinh. Trong vòng gần 2 năm đơn vị thu gom và tái chế được gần 20.000 tấn nhựa.

Tuy nhiên, theo bà Nhi, thành quả lớn hơn khi đơn vị nhận ra lực lượng “ve chai” phải làm công việc nặng nhọc, nhưng bị kỳ thị, không được quan tâm, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Hàng ngày họ phải chịu rủi ro do nghề nghiệp gây nên.

Với việc coi lực lượng “ve chai” là lao động xanh trong vòng kinh tế tuần hoàn, Unilever phối hợp với đối tác hỗ trợ cho 2.500 nhân công trong hệ thống thu gom rác thải nhựa bằng việc cung cấp cho họ công cụ vệ sinh cá nhân, nâng cao kỹ năng lao động, thiết bị bảo hộ lao động, tặng quà nhân các dịp lễ tết.

Bồi hoàn gấp đôi lượng nước đã sử dụng

Ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và PTBV, Coca Cola Việt Nam chia sẻ, là đơn vị sản xuất nước uống, DN rất quan tâm đến vấn đề bồi hoàn nguồn nước cho cộng đồng.

Với mỗi lượng nước sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, DN sẽ tìm cách đền bù cho cộng đồng thông qua các hoạt động bảo tồn nguồn nước. Mỗi năm DN sử dụng hơn 1,5 tỷ lít nước cho hoạt động sản xuất, DN sẽ bồi hoàn lượng nước đạt mức gấp đôi, khoảng 3,5 tỷ lít nước thông qua hoạt động hỗ trợ bảo tồn nguồn nước.

Một trong những dự án mà DN đang làm rất hiệu quả cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) là bảo tồn nguồn nước và đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp.

Ngoài ra, DN có chương trình hỗ trợ người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể thay đổi sinh kế thông qua việc sống cùng cây sen. Đây cũng là một cách bảo vệ nguồn nước và môi trường.

Liên quan đến hoạt động tái chế bao bì, DN đã có sự lựa chọn chủ động hơn và tiên phong hơn vì chính tương lai và sự PTBV của DN.


Coca-Cola đặt mục tiêu tỷ lệ tái chế chai nhựa ở mức 100% vào năm 2030.

Cách đây vài năm, khi Luật Tài nguyên môi trường chưa bắt buộc hoạt động thu gom và tái chế, công ty đã khởi động chương trình này. Với rác thải nhựa từ những sản phẩm như chai nước uống, hiện Coca Cola đã thu gom và tái chế ở tỷ lệ 40%. Mục tiêu của DN là đạt tới 100% vào năm 2030.

Không chỉ có thu gom và tái chế bao bì nhựa, DN đã thực hiện mức độ tuần hoàn ở giai đoạn đầu tiên, tức là chai nhựa được sản xuất bằng nguyên liệu tái chế. Năm 2022, lượng bao bì được sản xuất từ nhựa tái chế là 7%, mục tiêu của năm nay là 12% và 50% vào năm 2030.

Lập Uỷ ban ESG để tránh “đầu voi đuôi chuột”

Nhấn mạnh yếu tố quản trị, ông Đào Trung Kiên - Giám đốc cao cấp Vận hành, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, PNJ coi ESG là nền tảng trong hoạt động phát triển kinh doanh. Do đó, PNJ là 1 trong số ít các DN niêm yết Việt Nam có Uỷ ban ESG được thành lập trực thuộc Hội đồng quản trị để quản trị toàn bộ các hoạt động liên quan đến chiến lược ESG, và kết nối giữa chiến lược ESG với chiến lược kinh doanh.

“Nếu đưa ra chiến lược ESG nhưng không có bộ phận nào tập trung vào việc triển khai công việc này thì sẽ là “đầu voi đuôi chuột”’, ông Kiên cho hay.

Cũng theo ông Kiên, trong thực hành ESG, những gì DN chủ động được trong việc thực thi PTBV chỉ 9%, 91% còn lại nằm ngoài vòng của DN.

Hiểu rõ điều này, PNJ không chỉ làm những phần họ làm được mà còn lan toả tới cộng đồng. Đó là lý do vì sao tất cả các chương trình ESG của PNJ không chỉ thực hiện trong nội bộ công ty mà còn có cộng đồng, khách hàng cùng thực hiện. Từ đó lan toả tinh thần kinh doanh vì tự nhiên hướng đến PTBV, để thời gian tới tỷ lệ thực thi PTBV cao hơn 9% như hiện nay.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm