Thị trường

Độc đáo thú chơi tép cảnh bạc triệu ở Đà Lạt

DNVN - Thú chơi tép cảnh xuất hiện ở Đà Lạt khoảng 10 năm, nhưng số người chơi quy mô và chuyên nghiệp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ chơi cho vui, có người may mắn lai tạo được những chú tép đột biến, kiểu dáng và màu sắc độc đáo, có giá lên đến hàng chục triệu đồng, khiến nhiều tín đồ tép cảnh săn lùng, nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu.

Soi loạt rau, hoa, củ, quả 'độc, lạ' gây 'sốt' ở Đà Lạt / Khám phá ngôi nhà kỳ lạ ở Đà Lạt

Nghề chơi cũng lắm công phu
Tình cờ trong một lần đến chơi nhà một người bạn ở đường Phan Bội Châu, Phường 1 (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi hình ảnh những chú tép cảnh nhỏ nhắn, sặc sỡ sắc màu, đang tung tăng bơi lội gợi lên nét thanh bình, êm ả, khiến tâm hồn ta thêm thư thái, nhẹ nhàng, bình yên...

Thích mắt với những chú tép cảnh nhiều màu sắc vô tư bơi lượn

Điều thú vị và ngạc nhiên hơn nữa là, ở cái nơi khí hậu ôn hoà, mát mẻ quanh năm này, chủ nhân của ngôi nhà – anh Trịnh Vũ Thế Vinh – lại lắp cả máy lạnh để chăm… tép cảnh!
Theo anh Vinh, vì loài tép “quý tộc” này rất mong manh, nhạy cảm với thời tiết, môi trường, nhiệt độ. Mấy năm gần đây, thời tiết Đà Lạt có xu hướng nóng lên, nên anh phải lắp máy lạnh để ổn định nhiệt độ từ 22 – 24 độ C, thì các cô cậu tép cảnh mới sinh sôi nảy nở được.
Vừa cho đàn tép ăn, vừa kiểm tra nhiệt độ, độ PH, TDS hồ, anh Vinh tâm sự, “cơ duyên” đến với tép cảnh của anh cũng hết sức tình cờ. Lúc đầu, chỉ nuôi một hồ, để vừa trang trí phòng khách, vừa có yếu tố phong thuỷ. Rồi dần dà, chơi riết thành mê, thế là ngót nghét đến nay cũng đã được 4 năm gắn bó, mở rộng quy mô bài bản, sở hữu trên 40 hồ, với đa dạng chủng loại, như: Ong, Pure red/black line, Winered, KingKong, Panda, Blue Bolt (loại bình dân) và Pinto, Deepblue, Fancy, Galaxy, Purple (loại cao cấp).
Anh Thế Vinh kiểm tra các hồ tép cảnh của mình.

Anh Thế Vinh kiểm tra các hồ tép cảnh của mình.

Tép cảnh rất nhạy cảm với môi trường nên khi bắt đầu chơi, đòi hỏi người chơi phải Setup hồ cẩn thận, kỹ lưỡng từ thể tích hồ, nguồn nước đầu vào, phân nền, lọc nước, khoáng chất, chế phẩm khởi tạo vi sinh… Ngoài ra, khi thao tác cần hạn chế tuyệt đối việc đưa tay vào trong nước, không được sử dụng các loại hóa chất độc hại như nhang muỗi, bình xịt côn trùng, nước hoa khu vực gần hồ tép.
“Mới nghe qua thì cảm giác nuôi tép khó khăn, tuy nhiên sau khi đã “chạy roda” ổn định thì việc nuôi tép khá đơn giản, hàng ngày cho ăn 1-2 lần, lượng thức ăn vừa đủ, 1–2 tuần thay nước 1 lần khoảng 20- 25% hồ là có một hồ tép để thư giãn mà không tốn nhiều công sức”, anh Vinh chia sẻ.
Cũng theo anh Vinh, thức ăn cho tép rất đa dạng, nhưng chủ yếu là hạt tổng hợp từ đạm dành riêng cho tép cảnh nhằm tối đa hóa sự sinh trưởng, sinh sản và sắc tố. Ngoài ra, có thể sử dụng thức ăn bổ trợ thêm như vỏ đậu nành, lá dâu tằm, bó xôi, cải xanh, trà xanh..., đem sấy khô, thả vào hồ để bổ sung thêm vitamin, tăng sức đề kháng, giảm stress cho tép cảnh. Tuy nhiên, cần lưu ý, các loại rau bổ sung này phải đảm bảo sạch, an toàn, không hoá chất vì tép cảnh rất nhạy cảm.
Anh Thảo, một “tín đồ” tép cảnh ở TP. Đà Lạt say sưa kể về tép cảnh.

Anh Thảo, một “tín đồ” tép cảnh ở TP. Đà Lạt say sưa kể về tép cảnh.

Tiếp lời, anh Lê Văn Thảo, một “tín đồ” tép cảnh ở đường Hoàng Hòa Thám, Phường 10 (TP. Đà Lạt), cuối tuần đến giao lưu tép cảnh với anh Vinh, cho hay, tép cảnh được chia làm 2 nhóm chính là: Neo Caridina (họ tép màu) và Caridina (họ tép ong). Trong đó, dòng tép ong đột biến có giá trị cao hơn hẳn, có khi gấp hàng trăm lần.
Cũng theo anh Thảo, tép ong có nguồn gốc từ các con suối ở miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay, công nghệ lai tạo tép cảnh phát triển mạnh ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và đặc biệt là Đài Loan. Đài Loan không chỉ phát triển mạnh về công nghệ lai tạo mà còn được xem như là một trại tép khổng lồ, phân phối tép cho toàn thế giới, kể cả Việt Nam.
“Mấy tháng nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc nhập tép cảnh về Việt Nam bị đình trệ nên nguồn tép nuôi sinh sản ở Việt Nam cung cấp cho nhu cầu trong nước trở nên thiết hụt. Một số “tín đồ” lại phải “gõ cửa” các nơi cung cấp tép lớn nhất ở Việt Nam, như: Saigon Shrimp Shop (TP. HCM), The Brother Shrimp (Vũng Tàu) và Greenlife (Hà Nội)…”, anh Thảo cho hay.
Một hồ tép cảnh đa sắc màu của anh Thảo. Hồ này nuôi nhiều dòng tép đa sắc màu để ngắm thư giãn và thích mắt.

Một hồ tép cảnh rất đẹp của anh Thảo. Hồ này nuôi nhiều dòng tép đa sắc màu kết hợp với một số loại thuỷ sinh để ngắmthích mắt vàthư giãn.

Theo anh Thảo, vốn đầu tư ban đầu cho một hồ tép thiết kế đơn giản nhất từ 50 - 60 lít nước khoảng trên dưới 1,5 triệu/hồ (chưa kể con giống), với mật độ nuôi khoảng 200-300 con tép. Tuỳ vào sở thích, điều kiện kinh tế mà người nuôi có thể tìm mua nguồn tép cảnh con với đủ giá cả từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng/con.
Thông thường, các trại xuất bán tép size từ 0.8-1.2cm (chưa phân biệt trống mái). Nếu môi trường sống phù hợp thì sau khoảng 3 tháng, tép cảnh có thể sinh sản. Trong giai đoạn sinh sản, thời gian đầu, trứng được mang trên lưng tép mái (còn gọi là yên ngựa), khi trứng đã chín tép mái lột vỏ và tiết ra hoóc môn quyến rũ các con trống. Con trống khi cảm nhận được mùi hương này thì tranh nhau bơi loạn xạ trong hồ để tìm đến chủ nhân buồng trứng đã chín để giao phối. Sau khi giao phối khoảng 3-5 giờ, trứng sẽ chuyển dần xuống bụng để tép cái ôm ấp cẩn thận khoảng trên dưới 30 ngày thì sinh ra những chú tép con nhỏ xíu, dễ thương.
“Để đạt hiệu quả năng suất, người nuôi cần lựa chọn tỷ lệ tép đực/cái sao cho phù hợp 20/80 hoặc 30/70. Quá trình tuyển lựa tép gầy giống cần kỹ càng, người chơi chọn lọc những con có kiểu hình mạnh mẽ, mắn đẻ, đẹp, nhằm tăng tỷ lệ tép con”, anh Thảo lưu ý thêm.
Kết nối đam mê...
Theo những người chơi tép cảnh ở Đà Lạt, thú chơi lắm công phu này xuất hiện ở “Xứ sở sương mù” khoảng chục năm trở lại đây, số người chơi cũng tăng lên theo từng năm, nhưng chơi quy mô và chuyên nghiệp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Từ cái thú nuôi chơi để thư giãn, nhiều người đã may mắn lai tạo thành công được những chú tép đột biến, có kiểu dáng và màu sắc độc đáo, có giá lên đến hàng chục triệu đồng, khiến nhiều “tín đồ” tép cảnh khắp nơi săn lùng, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sở hữu.
Những chú tép cảnh màu sắc sặc sỡ đang tranh mồi.

Những chú tép cảnh màu sắc sặc sỡ đang tranh mồi.

Có “tận mục sở thị” và nghe những người đam mê tép cảnh chia sẻ về “nghề chơi cũng lắm công phu” này, mới hiểu vì sao những chú tép cảnh nhỏ nhắn, dễ thương, đa dạng sắc màu lại có sức hút kỳ diệu đến vậy!
Trong không gian ấm áp, rực rỡ ánh điện màu, hoà cùng âm thanh của dòng nước đối lưu từ các lọc Bio như tiếng suối róc rách, tạo cảm giác thư giãn, chúng tôi và những người bạn cùng đam mê loài thuỷ sinh nhỏ nhắn này mải mê chiêm ngưỡng và bình phẩm xem cô cậu tép cảnh nào mới thực sự là “nữ hoàng”? Ai cũng có những quan điểm thẩm mỹ và độ am hiểu nhất định nên không khí cuộc trò chuyện cứ thế nhộn nhịp hẳn lên.
Theo anh Thảo, điều đáng tiếc nhất là vòng đời của tép cảnh khá ngắn, chỉ từ 18 - 24 tháng. Bởi thế nên nếu “tay chơi” may mắn sở hữu được con tép đột biến, độc đáo chỉ muốn để dành ngắm, thưởng thức trọn vẹn “thời hoàng kim” của loài thuỷ sinh “quý tộc” này mà ít muốn bán. Do đó, càng quý hiếm, giá trị càng cao.
Một chú tép cảnh đột biến độc đáo có “bông hoa” đặc biệt trên má, khá hiếm gặp của anh Thảo. Nhiều người trả giá gần chục triệu đồng nhưng anh chỉ để ngắm và giao lưu với bạn bè chứ không bán.

Một chú tép cảnh đột biến độc đáo có “bông hoa” đặc biệt trên má, khá hiếm gặp của anh Thảo. Nhiều người trả giá gần chục triệu đồng nhưng anh chỉ để ngắm và giao lưu với bạn bè chứ không bán.

 

Nhấp ngụm cà phê, anh Vinh chia sẻ, có lúc tôi bán được 30 - 40 triệu đồng từ thú chơi tép cảnh. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất mà tôi có được không phải đến từ lợi nhuận mà từ việc lai tạo thành công ra những chú tép con đột biến, đẹp, độc đáo và mới lạ để chơi, thưởng thức và giao lưu với anh chị em trong Facebook Group “Kiến thức tép cảnh” và “Hội Thuỷ sinh Đà Lạt”.
Theo anh Vinh, mặc dù khâu chăm sóc có vẻ kỳ công nhưng ưu điểm nổi bật khi nuôi tép cảnh là không có mùi hôi tanh như một số loại cá cảnh hay thuỷ sinh khác. Do đó, ta có thể đặt hồ tép ở bất kỳ vị trí nào trong nhà, miễn sao phù hợp với không gian, vừa dễ dàng thưởng lãm, chiêm ngưỡng.
“Có lúc tôi mê mẩn ngồi mấy giờ liền chỉ để ngắm tép cảnh bơi lượn trong hồ. Chúng nhỏ nhắn, dễ thương, hiền lành khiến ta say đắm. Đây thực sự là thú vui tao nhã giúp xoa dịu tinh thần, bồi đắp lòng vị tha và tình yêu thương trong cuộc sống”, anh Vinh chia sẻ.
Theo những người chơi tép cảnh, thú chơi này không phân biệt giới tính, lứa tuổi. Nhiều người khi đến tuổi về hưu, có thời gian rảnh rỗi mới chơi tép cảnh. Cũng có một số bạn trẻ là sinh viên hoặc làm công việc tự do cũng yêu loài tép cảnh này và “tậu” cho mình dăm ba hồ về chơi.
Cuối tuần, bạn bè cùng đam mê thường đến nhà anh Vinh để giao lưu cafe ngắm tép cảnh và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.

Cuối tuần, bạn bè cùng đam mê thường đến nhà anh Vinh để giao lưu cafe ngắm tép cảnh và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.

Để đáp ứng sự mộ điệu, gần đây, tại Đà Lạt cũng xuất hiện một số shop chuyên thu mua và kinh doanh tép cảnh trên đường Nguyễn Lương Bằng, An Dương Vương, trong đó shop Cá cảnh Thủy sinh Đà Lạt (số 20 Phan Chu Trinh) hiện đang là đại lý độc quyền của Saigon Shrimp Shop tại khu vực Tây Nguyên.
Ngoài các phụ kiện hồ thuỷ sinh, cá cảnh, tại các shop còn có thêm loài thuỷ sinh mới là tép cảnh với đa dạng sắc màu, chủng loại, kích thước, kiểu dáng, giá thành bình dân đến cao cấp, lại thân thiện với môi trường, nên thu hút nhiều tay chơi đến lựa chọn và tìm cho mình con ưng ý nhất.
Trong đó, điển hình như, tép Pinto (đỏ và đen) là một trong những cái tên được nhiều bạn trẻ nuôi thành công. Vẻ đẹp của loại tép này là trắng toàn thân, đầu đỏ với những chấm trắng lớn trên đầu. Càng nhiều chấm đều trên đầu, đối xứng, giá trị sẽ tăng cao.
Ngoài ra, những chú tép khác như King Kong, Panda, Wine Red, Blue Bolt có màu sắc rất rực rỡ hay Red/Black Galaxy Fishbone, Fancy tiger... có giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hơn chục triệu đồng.
Việc rao bán tép cảnh cũng khá đa dạng, chủ yếu là online, vào các group, up hình lên, chia sẻ, nếu ai thích thì có thể liên hệ để trao đổi về nét độc đáo, cuốn hút cũng như thương thảo về giá cả, thuận mua vừa bán.
“Để nói về tép cảnh là cả một câu chuyện dài về tình yêu thiên nhiên và lòng kiên nhẫn. Đôi khi chỉ là trao đổi từ tép này sang tép khác để hồ tép cảnh nhà mình trở nên đa dạng, phong phú chủng loại hơn. Đó cũng là sân chơi kết nối giữa những người có cùng đam mê và sở thích tép cảnh”, anh Vinh chia sẻ.
Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm