Đối diện nhiều thách thức, ngành thủy sản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ
DNVN - Trong công văn mới đây gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chỉ ra các thách thức lớn của ngành thủy sản trong 6 tháng cuối năm. Từ đó đề xuất Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho ngành.
Giá heo hơi ngày 15/7/2022: Tiếp tục tăng thêm 3.000 đồng/kg / Giá nông sản ngày 15/7/2022: Cà phê giảm 1.000 đồng/kg, tiêu trụ vững ở mức cao
Chi phí tăng cao, nguyên liệu đầu vào giảm
Theo VASEP, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) thủy sản đang gánh nhiều khoản chi phí tăng, tác động kéo theo từ chi phí đầu vào cho sản xuất của DN. Từ đó khiến giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng.
Từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch COVID-19 và nay là tăng giá xăng dầu, giá cước ở hầu hết các chặng đều tăng 4-5 lần. Tại thời điểm tháng 6/2022, dù giá cước đã giảm một chút, nhưng để xuất được 1 container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa Kỳ (Florida), giá cước khoảng 16.400 USD/cont. Còn tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP Hồ Chí Minh (chiếm hơn 60%), giá cước trung bình 400-410 triệu đồng/cont.
Trải qua 12 lần tăng giá xăng dầu kể từ đầu năm, hiện nay, 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước.
Theo VASEP, ngành thủy sản đối diện với nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2022.
Theo thống kê của cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa), cho tới tháng 7/2022, đã có hơn 90% tàu đánh bắt không được hỗ trợ xăng dầu đã ngưng hoạt động. Sản lượng hải sản cập cảng cũng giảm từ 30-40%, chủ yếu từ các tàu đánh bắt ngắn ngày. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.
Giá xăng dầu tăng cũng đẩy chi phí vận chuyển đường bộ, logistics tăng từ 10-20% so với trước. Đây là bài toán khó đối với các DN thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đã hồi phục sau COVID-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ.
Hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Do đó, các DN đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hoá nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thực lớn cho doanh nghiệp thuỷ sản và người nuôi thuỷ sản.
Cần có chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu
Với thách thức trên, VASEP cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật đất đai, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
Về nhập khẩu, VASEP cho rằng, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu.
Điều này sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, tay nghề công nhân và đạt được mục tiêu trở thành “nhà máy gia công” lớn của thuỷ sản thế giới. Ít nhất 10 năm qua, nguồn nguyên liệu sạch, hợp pháp đã được nhập khẩu vào Việt nam ngày càng tăng để đáp ứng đơn hàng và việc làm khi giáp vụ hoặc nhu cầu thế giới tăng cao.
Một thách thức, khó khăn khác mà các DN thủy sản đang gặp phải là các thủ tục Chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các DN vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.
Tính tới tháng 6/2022, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt, là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo