Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa xứng với tiềm năng
Hoa, kiểng Sa Đéc bắt đầu hành trình xuất ngoại / Cây mai vàng "khủng" được rao bán 2 tỷ đồng
Ngày 29/3, tại thành phố Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại hội thảo.
Với diện tích khoảng 40.000km2, tổng dân số hơn 17 triệu người gồm các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm …phong tục tập quán sinh hoạt cộng đồng độc đáo, con người hào sảng, nghĩa tình, mến khách, ĐBSCL được cho là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, là điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn” đối với du khách gần xa.
Thế nhưng, sự phát triển du lịch ở ĐBSCL vẫn chưa xứng với tiềm năng lợi thế trời ban, chưa đạt được kỳ vọng của các cấp ngành địa phương đối với ngành “công nghiệp không khói” này.
Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL” được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong việc đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, định hình tour, tuyến và sản phẩm chủ đạo, đặc trưng nhằm kết nối hiệu quả điểm đến trong chuỗi liên kết hợp tác phát triển du lịch toàn vùng ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết.
PGS,TS Nguyễn Thành Lợi mong muốn tại hội thảo, các chuyên gia, cơ quan quản lý, ngành chức năng địa phương… đánh giá đúng tiềm năng thế mạnh, những hạn chế tồn tại đề ra các giải pháp thúc đẩy, phát triển du lịch ĐBSCL nhất là trong xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng doanh thu cho doanh nghiệp du lịch và người dân làm du lịch.
TS Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL.
Theo báo cáo tại hội thảo, kết thúc năm 2023, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt 4,6 triệu lượt khách so với dự báo đầu năm. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, năm 2023, ngành du lịch thành phố đón hơn 5,9 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách lưu trú đạt trên 2,9 triệu lượt. Khách lưu trú quốc tế gần 159.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…
“Cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nói.
Trưng bày sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL trong khuôn khổ hội thảo.
Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng: không gian du lịch và sản phẩm du lịch là hai vấn đề quan trọng cần được đầu tư khai thác trong phát triển du lịch. Liên kết không gian và tích hợp sản phẩm du lịch chính là cách thức làm cho du lịch trở nên hấp dẫn.
ĐBSCL với không gian du lịch giàu bản sắc và sản phẩm du lịch đặc thù “Thế giới sông nước Mê Kông” gắn với giá trị cảnh quan, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, ẩm thức đặc sắc được tiếp cận theo vùng, liên kết chuỗi giá trị du lịch và cơ chế điều phối vùng hiệu quả sẽ tạo ra nhiều giá trị độc đáo hấp dẫn.
Vì thế, để phát triển du lịch, theo TS Trần Hữu Hiệp cần tập trung 3 mũi đột phá: xây dựng cơ chế chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; tạo nguồn lực vật chất đầu tư; phát triển sản phẩm đặc thù và nguồn nhân lực du lịch vùng. Trên cơ sở đó, TS Trần Hữu Hiệp đề xuất thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL với nhiệm vụ chính là điều phối hoạt động du lịch chung của cả vùng, thống nhất định hướng phát triển và xây dựng quy chế liên kết…; xúc tiến hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL; tăng cường kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch hình thành các “Cluster – cụm ngành du lịch”
“Liên kết không gian du lịch và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng cùng với hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch là các trụ cột của ngành “công nghiệp không khói”đang được kỳ vọng vượt qua thách thức để du lịch vùng ĐBSCL phát triển mạnh trong thời gian tới”. TS Hiệp nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo