Được cởi trói, xuất khẩu gạo Việt sắp bứt phá?
Bồi thường đất cho dân chỉ vài trăm ngàn đồng/m2, ai chịu được? / GIÁ VÀNG NGÀY 9/10: USD tăng vô cực, vàng bán tháo không dừng
Nút thắt “109”
Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ban hành ngày 4/11/2010 là nỗi ám ảnh với nhiều thương nhân xuất khẩu gạo khi quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ và phải phù hợp quy chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát trong Nghị định số 109 là nút thắt lớn nhất đối với xuất khẩu gạo thời gian qua. |
Theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), các điều kiện hạ tầng nói trên là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp và thương nhân xuất khẩu gạo.
Còn TS. Lê Thành Ý từ Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, những quy định trong Nghị định số 109 vốn chặt chẽ lại trở thành rào cản đối với thương nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia thị trường xuất khẩu lúa, gạo.
Bởi lẽ, phần lớn thương nhân là những nhà sản xuất kinh doanh nhỏ. Ngay cả những thương nhân lớn, mặc dù có khách hàng và thị trường, nhưng không đủ vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo theo quy định.
Chưa kể việc khống chế địa bàn xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố có thóc, gạo xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận… tạo ra sự không bình đẳng giữa các địa phương, là rào cản đối với thương nhân muốn tham gia xuất khẩu gạo, TS. Lê Thành Ý đánh giá.
"Quy định trên thể hiện sự can thiệp hành chính đối với quyền tự do cân nhắc, quyết định địa bàn đầu tư của doanh nghiệp", ông Ý nói.
Ngoài những rào cản cứng, những quy định mềm về đăng ký hợp đồng xuất khẩu theo Nghị định số 109 cũng là trở ngại lớn. Chẳng hạn, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết, thương nhân phải nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam…Sau đó, xuất trình hợp đồng xuất khẩu đã được đăng ký với cơ quan hải quan khi làm thủ tục thông quan.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), việc yêu cầu đăng ký hợp đồng xuất khẩu trước mới được thông quan đã khiến doanh nghiệp mất sự chủ động, độc lập và cạnh tranh lành mạnh... trong xuất khẩu gạo. Không những thế, quy định này còn phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, thậm chí phát sinh tiêu cực, rủi ro mất khách hàng...
Cởi trói cho xuất khẩu gạo
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu gạo, ngày 15/8/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh xuất khẩu thóc gạo. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2018 và bãi bỏ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Trong Nghị định số 107, các điều kiện về quy mô tối thiểu 5.000 tấn thóc đối với kho chứa và công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ của cơ sở xay xát đã được xóa bỏ. Đặc biệt, Nghị định số 107 đã linh hoạt hơn khi quy định các cơ sở hạ tầng như kho chứa và cơ sở xay xát có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác có hợp đồng thuê bằng văn bản.
Theo TS. Lê Thành Ý, điểm mới trong Nghị định số 107 quy định rõ thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ không cần đáp ứng về điều kiện kho chứa và cơ sở chế biến xay xát, không cần có giấy chứng nhận và không phải thực hiện dự trữ lưu thông.
Ông Ý cho rằng, Nghị định số 107, với nhiều điểm mới và tích cực, đã cởi trói cho thương nhân xuất khẩu, khuyến khích họ đầu tư chiều sâu vào các sản phẩm có lợi thế, có tính cạnh tranh cao.
“Nghị định số 107 sẽ tạo điểm cộng để hoạt động xuất gạo của Việt Nam trong quý IV/2018 và các năm tiếp theo thêm khởi sắc,” ông Ý nói.
Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, những thay đổi trong Nghị định số 107 chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và thương nhân tham gia xuất khẩu, đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu gạo chung của cả nước.
Tuy nhiên, việc cởi trói cho xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107 chỉ là điều kiện cần. Để nắm bắt các cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp lúa gạo còn nhiều điều phải làm.
Ông Thắng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần nghiên cứu xác định nhu cầu thị trường, sau đó xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân để chủ động sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm để đưa sản phẩm của mình vào chuỗi nông sản toàn cầu.
Xu hướng xuất khẩu gạo chất lượng cao
Theo TS. Lê Thành Ý, những năm gần đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn bởi các nước xuất khẩu không ngừng cạnh tranh về lượng và chất.
Năm 2011 - thời điểm Nghị định số 109 được áp dụng, Việt Nam đã xuất khẩu 7,13 tấn gạo, đạt kim ngạch 3,519 tỷ USD (FOB). Sau đó, xuất khẩu gạo đã đi xuống vào các năm 2012 – 2016 và bắt đầu ấm lại vào năm 2017.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, Nghị định số 107 đã làm minh bạch, thông thoáng...trong xuất khẩu gạo, khuyến khích các thương nhân đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo bền vững hơn.
“Trong môi trường cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu thế tất yếu của ngành hàng lúa gạo Việt nam là phải đẩy mạnh sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ để phát triển xuất khẩu gạo thơm chất lượng cao và thay thế dần gạo cấp thấp”, ông Bình đánh giá.
Trước nhu cầu gia tăng của thị trường thế giới về gạo chất lượng cao, ngành nông nghiệp Việt Nam được khuyến cáo bố trí cơ cấu giống linh hoạt theo tín hiệu thị trường, với định hướng sử dụng nhóm lúa chất lượng cao chiếm khoảng 50% tổng diện tích gieo trồng, giống lúa thơm chiếm 25%, còn lại là giống nếp, đặc sản địa phương và giống chất lượng trung bình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao