Thị trường

Đứt gãy thương mại trong nước và quốc tế đang được nối lại

DNVN - Hoạt động sản xuất đang dần được đẩy mạnh, đứt gãy thương mại trong nước và quốc tế đang được nối lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đà Nẵng: Siết chặt việc bán, cho thuê nhà ở xã hội / Tiền lương tại Việt Nam và toàn châu Á tăng nhanh trong năm nay

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 đạt 48,8 tỷ USD, giảm 19,1% so với tháng trước, chủ yếu do tháng 2 có số ngày làm việc ít hơn tháng 1. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2 vẫn tăng mạnh 19%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 109,62 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 11,7%; nhập khẩu tăng 16,7%.
Cán cân thương mại 2 tháng đầu năm 2022 nhập siêu 581 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,31 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,89 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cán cân thương mại 2 tháng đầu năm 2022 nhập siêu 581 triệu USD.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Hàn Quốc 6,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Trong khi đó, nhập siêu từ ASEAN 2 tỷ USD, tăng 7%.
Tổng cục Thống kê nhận định, nhập siêu quay trở lại là một dấu hiệu đáng quan tâm, mặc dù số liệu hai tháng đầu năm chưa đủ để đánh giá xu hướng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm thâm hụt là do tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu. Đây cũng có thể coi là dấu hiệu tích cực đối với sản xuất trong nước khi các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu đẩy mạnh sản xuất, do đó cần tiếp tục theo dõi tình hình để có giải pháp quản lý, điều hành phù hợp.
Khi đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, nền kinh tế đang dần “thích ứng an toàn, linh hoạt” theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hoạt động sản xuất đang dần được đẩy mạnh, đứt gãy thương mại trong nước và quốc tế đang được nối lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhưng vẫn đảm bảo công tác chống dịch theo quan điểm nới lỏng chứ không buông lỏng, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm