Gần 114 tỷ USD xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm
Hoá giải nghịch lý trong chuỗi cung ứng điều / Xăng tăng giá trở lại, RON 95 III lên sát 24.000 đồng/lít
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầu năm
Xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay khi kim ngạch đạt gần 114 tỷ USD, tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và xuất siêu tới hơn 4,7 tỷ USD cũng cao hơn nhiều so với mức 3,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023.
Những kết quả khả quan có được là nhờ số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023. Điều này cho thấy sự nỗ lực và linh hoạt của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới tuy có phục hồi, nhưng chưa rõ ràng.
Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao nhất trong 2 tháng đầu năm, tăng tới gần 44% so với cùng kì năm 2023. Tại một doanh nghiệp gỗ, cùng thời điểm này năm 2023 đã phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng, từ Tết đến nay đang phải tuyển thêm công nhân. Bởi đơn đặt hàng đã kín đến giữa năm.
Ông Trần Xuân Thiên - Giám đốc Công ty TNHH Thiện Linh Plywood nhận định: "Hi vọng tăng lên so với năm trước khoảng 40, 45%. Nhà máy cũng có thêm đầu tư để đón những cơ hội tiếp theo".
Doanh nghiệp này chuyên sản xuất xuất khẩu những tấm ván lót sàn container. Năm 2023, thương mại quốc tế có dấu hiệu sụt giảm. Container ít được sử dụng nên doanh nghiệp bán hàng cũng khó hơn. Những tháng đầu năm nay, thương mại quốc tế đang ấm trở lại. Container lại được sử dụng nhiều. Vì thế, doanh nghiệp đang có thêm những đơn hàng mới.
Không chỉ gỗ, xuất khẩu hàng dệt may, da giày, sắt thép, điện tử, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê cũng đều tăng trưởng ở mức cao so với cùng kì. Các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng ngay từ đầu năm và tăng cường sản xuất. Nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất vì thế cũng tăng cao và chiếm tới hơn 94% tổng kim ngạch.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Xuất nhập khẩu hàng hoá tăng cao cũng thúc đẩy cho sản xuất trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho cả 3 khu vực là nông lâm thuỷ sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Đây chính là những động lực thúc đẩy tăng trưởng".
Năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc nâng cấp quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, 2 tháng qua, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng tới gần 34%. Nhưng cơ hội cũng đi kèm những thách thức.
"Năm 2024 là năm bầu cử tổng thống của Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung thực hiện các chính sách với trọng tâm là người lao động, bảo vệ ngành sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, sắt thép…" - ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nêu ý kiến.
Nhiều cơ hội đang đến với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng để tận dụng được cơ hội từ thị trường thì nỗ lực sản xuất vẫn chưa đủ, mà còn phải hiểu và chủ động hơn trên thương trường quốc tế.
Nhiều cơ hội đang đến với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng
Theo Bộ Công Thương, kinh tế thế giới khó đoán định, nhu cầu hàng hoá tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng kết quả xuất khẩu đạt được trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng cao. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và cả những thị trường mới và tiềm năng.
Cung ứng 90.000 – 100.000 quạt gió xe hơi /năm cho thị trường Bắc Mỹ trong 6 năm là hợp đồng không dễ có được ở thời điểm nhu cầu giảm sâu, nhất là với một doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Việc đa dạng mẫu mã trên thiết kế 3D, đầu tư khuôn đúc theo từng mẫu giúp doanh nghiệp có lợi thế.
Ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Công ty Haast Việt Nam tâm sự: "So sánh với phương án gia công đơn thuần, chờ khách hàng thiết kế, phát triển sản phẩm, mang khuôn mẫu đến sản xuất tại nhà máy thì việc có thể hợp tác sớm với khách hàng giúp chúng ta mở rộng các cơ hội để hợp tác tìm kiếm những khu vực khách hàng và dòng sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn".
Với những cánh quạt nhựa đơn giản, có thể sau thiết kế, doanh nghiệp đặt hàng bên ngoài, thuê ngoài và sản xuất. Nhưng trong một thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn trong nhiều lĩnh vực hơn từ gia công cho đồ gia dụng, ô tô, hàng không, doanh nghiệp phải đầu tư khuôn thiết kế cho đến đầu tư thiết kế 3D. Có như vậy doanh nghiệp mới có được đơn hàng.
Theo Bộ Công Thương, trong khi xuất khẩu sang các thị trường truyền thống chững lại thì các thị trường mới như Châu Phi, Tây Á, Đông Âu, Bắc Mỹ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu… Nhờ vậy, mức độ suy giảm thương mại ngày càng thu hẹp từ nửa cuối năm 2023 và tăng trở lại đầu năm 2024.
"Chuỗi cung ứng mà trước đây chúng ta mong muốn hình thành ở Việt Nam để sản xuất những mặt hàng Việt Nam đã bắt đầu được hình thành. Chính vì vậy, những doanh nghiệp đó đủ tiêu chuẩn để đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng xuất khẩu" - ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ.
Rõ ràng, thị trường mới đi kèm với rủi ro, trong khi thị trường truyền thống gia tăng các tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe hơn về xanh hoá, tuần hoàn, khí thải… Điều này vô hình chung sẽ đặt rủi ro cho doanh nghiệp là chưa kịp đáp ứng đã rời khỏi thị trường.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Với kinh tế tuần hoàn, câu chuyện điều chỉnh chính sách gắn với điều chỉnh chính sách về đất đai, tiếp cận công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Và việc điều chỉnh các chính sách này thường mất nhiều thời gian mà doanh nghiệp không có thời gian để chờ. Chính vì vậy, cần cân nhắc tích cực hơn về việc sớm có các cơ chế thử nghiệm".
Đa dạng hoá thị trường sẽ đặt ra nhiều bài toán mới không chỉ tự thân doanh nghiệp mà đòi hỏi chương trình xúc tiến diện rộng đi kèm với các chính sách mang tính chiến lược của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp trúng và đúng.
Thêm một tín hiệu khả quan sau 2 tháng là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã tăng hơn 30%, cao gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội thị trường. Qua đó, đóng góp khả quan trong bức tranh tăng trưởng xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay. Đây cũng là cơ sở để có thể kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu cả năm sẽ tăng trưởng ở mức trên 6% như đã đề ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT