Giá gạo tăng theo tuần: Bình thường hay bất thường?
Thái Bình: Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp / Xuất khẩu tôm duy trì đà tăng trưởng
Vấn đề đặt ra là sự tăng trưởng này là bình thường hay bất thường khi mà những bài học "tăng trưởng" nóng với ngành lúa gạo vẫn còn?
Tăng giá ngoài dự đoán của doanh nghiệp
Theo ông Phạm Xuân Quế, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, trong bối cảnh lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ngành lúa gạo trở thành điểm sáng, như câu nói: "ông giời không lấy đi của ai tất cả".
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt khoảng 900.000 tấn, kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, thị trường gạo rất sôi động, giá chào bán xuất khẩu cũng như trong nước tăng 30 - 50 USD/tấn, tuỳ theo chất lượng và loại gạo.
Giá gạo tăng đều ở tất cả phân khúc, chủng loại, biên độ tăng mạnh, thời gian tăng giá nhanh ngoài dự đoán của doanh nghiệp. Ông Quế cho hay, thông thường diễn biến giá gạo tăng - giảm được điều chỉnh theo quý hoặc năm, nhưng gần đây được điều chỉnh theo tuần. Đó là điều hiếm xảy ra, nhất là trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào chính vụ thu hoạch Đông Xuân.
Giá gạo Việt Nam hiện nay đang gần bằng gạo Thái, cao hơn gạo Myanmar, Pakistan và Ấn Độ - những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam.
"Điều này cho thấy triển vọng khả quan để thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là 6,7 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỷ USD", ông Quế cho biết.
Giá gạo tăng trưởng nóng như vậy là bình thường hay bất thường? Ông Quế cho rằng sở dĩ giá gạo Việt Nam tăng cao là do giá gạo thế giới được điều chỉnh tăng mạnh. Năm nay, các nước nhập khẩu mở cửa nhập sớm, Trung Quốc trước đây chi phối thị trường châu Phi với khối lượng xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn nhưng năm nay không kham được do gặp bất lợi từ dịch Covid-19. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng thị trường.
Đặc biệt, ông Quế tin rằng sự tăng trưởng của ngành lúa gạo trong những tháng đầu năm 2020 là kết quả bước đầu của kế hoạch tái cơ cấu ngành lúa gạo, từ đó định hướng được sản xuất, thị trường, không có hiện tượng như năm 2018 là giá gạo nếp bằng giá gạo tẻ. Đặc biệt, năm nay tất cả chủng loại gạo đều tăng giá và có đầu ra.
Nhận định tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2020, Bộ Công Thương đánh giádiễn biến của dịch Covid-19 đang là nguyên nhân tác động đến khả năng xuất khẩu gạo. Nhu cầu từ Trung Quốc (trong cả nhập khẩu và xuất khẩu) sẽ tác động đến giá cả thị trường thế giới cũng như trong nước.
Mặc dù các thị trường như Bangladesh, Trung Quốc, Nigeria và Sri Lanka nhập khẩu ít đi, song Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia.
Đặc biệt, đối thủ chính của xuất khẩu gạo Việt Nam là Thái Lan hiện nay cũng đang đối mặt với không ít yếu tố bất lợi. Bên cạnh tác động của tỷ giá đồng Bath/USD, việc sản lượng gạo giảm so với mọi năm do hạn hán là một trong những nguyên nhân khiến cho giá gạo Thái Lan luôn giữ ở mức cao trong thời gian qua.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường, nhất là một số thị trường gạo trung chuyển lớn như Singapore, Hong Kong.
Hồ hởi nhưng không chủ quan
Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng triển vọng tích cực như vậy không có nghĩa là ngành lúa gạo được chủ quan. Ông Phạm Xuân Quế lưu ý, cần đánh giá sát diễn biến thị trường thế giới và trong nước để đảm bảo cả mục tiêu xuất khẩu và an ninh lương thực trong nước.
Đồng thời, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo giúp tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, để được giá mà không phụ thuộc vào một số thị trường.
Gs. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ cho rằng ngành lúa gạo của Việt Nam muốn cạnh tranh được thì nông dân phải vào HTX, có như vậy mới hình thành vùng nguyên liệu lớn với chất lượng đồng đều, giá thành cạnh tranh. Nói rộng hơn, ngành lúa gạo cần phải hình thành chuỗi sản xuất bền vững. Cùng với đó,Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ về giống, phân bón, tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai...
Mặt khác, ngành lúa gạo cũng cần tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Theo Bộ Công Thương, thị trường EU và Hàn Quốc đang phát đi tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là hơn 55.000 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu. Mặc dù vậy, việc đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch đối với gạo trong đấu thầu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này mở rộng thị phần tại Hàn Quốc.
Còn nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 7/2020, việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh (với Thái Lan, Campuchia) và mở rộng thị trường gạo cao cấp này. Trong trường hợp tận dụng tốt EVFTA, nửa cuối năm 2020, Việt Nam có thể xuất khẩu được 40.000 tấn gạo trong hạn ngạch thuế quan và 100.000 tấn gạo tấm vào EU.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Giá gạo tăng ngoài dự đoán của doanh nghiệp