Thị trường

Gia Lai: Cơ hội làm giàu từ trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ

Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ thay thế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học bằng các loại có nguồn gốc sinh học, đang được người dân Kbang (Gia Lai) áp dụng vào quá trình sản xuất.

Nên “nới” điều kiện phát hành trái phiếu để gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc / TripAdvisor bình chọn Đà Nẵng là điểm đến thịnh hành trên thế giới năm 2020

Đây được xem là một hướng đi mới giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn lao động.

Là một trong những huyện có diện tích lớn và đa dạng chủng loại cây ăn quả của tỉnh Gia Lai, nhiều nông dân, HTX ở huyện Kbang đã mạnh dạn chuyển diện tích mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nhiều hộ chủ động liên kết với doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả.

Bảo đảm an toàn lao động

Canh tác theo hướng hữu cơ vừa bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho người sản xuất, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; vừa không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng…

Những diện tích mía kém hiệu quả được người dân Kbang chuyển sang trồng cây ăn quả

Những diện tích mía kém hiệu quả được người dân Kbang chuyển sang trồng cây ăn quả

Nhận thấy những lợi ích này, anh Thân Trung Phúc (thôn 3, xã Nghĩa An) đã phá bỏ mía, chuyển sang trồng cây ăn quả. Anh Phúc cho biết trước đây, gia đình anh sản xuất nông nghiệp chủ yếu sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, ảnh hưởng lớn tới môi trường, không bảo đảm ATLĐ; làm thoái hóa đất. Sau khi phá bỏ mía, anh cải tạo đất, lắp đặt hệ thống ống tưới tự động và mua cây về trồng. "Với diện tích 5 ha, tôi đã trồng1.200 cây quýt đường, 700 cây bưởi da xanh, mít thái 200 cây và cau mứt 600 cây”, anh Phúc kể.

Số cây này được anh Phúc trồng xen canh, cây ổi trong vườn cam, quýt, còn mít thái, cau mứt trồng xung quanh bờ thửa. Cây ổi khoảng 8-10 tháng cho thu hoạch, các cây còn lại là trên 36 tháng. Việc trồng xen canh là nhằm lấy ngắn nuôi dài, tạo bóng mát, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất.

Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ đúng liều lượng, độ tuổi nên vườn cây của anh Phúc luôn xanh tốt, phát triển đều, không dịch bệnh. Hiện, số cây ổi đã cho thu trên 20 kg quả/ngày, được thương lái vào tận vườn mua với giá 15.000 đồng/kg, còn cam, quýt, mít đã được đặt hàng từ trước.

Tại một xã khác trên địa bàn Kbang, khu vườn rộng hơn 3 ha của gia đình bà Trần Thị Cảm (xã Kông Lơng Khơng) được phủ kín bằng 4 loại cây ăn quả, gồm: ổi, xoài, bơ, dừa. Chỉ riêng 1.200 cây ổi, dù mới hái bói trong 2 tháng đầu tiên, bà Cảm đã thu về hơn 2 tấn quả, bán được 30 triệu đồng. Còn 250 cây bơ, 28 cây xoài và 200 cây dừa dự kiến mùa tới sẽ cho thu hoạch.

 

Triển vọng liên kết

Khi số hộ trồng và diện tích cây ăn quả lớn, bà Cảm cùng hơn 30 hộ dân khác liên kết thành lập HTX Nông nghiệp Thành Công Kông Lơng Khơng. Việc trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ là sự lựa chọn hàng đầu của HTX nên quy trình chăm sóc cây trồng được các thành viên ghi chép đầy đủ, có kế hoạch rõ ràng.

Theo nhật ký ghi chép của các hộ dân, năm thứ nhất đầu tư chưa tính được lợi ích nhưng từ năm thứ hai, chi phí đầu tư đã giảm 10-15%. Bên cạnh đó, cây hấp thụ đủ nước, chất dinh dưỡng nên sinh trưởng phát triển bền vững, cho năng suất cao, lợi nhuận tăng theo từng năm.

Vườn ổi của bà Trần Thị Cảm được chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ

Vườn ổi của bà Trần Thị Cảm được chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ

 

Hiện nay, cây ăn quả là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập chính cho thành viên HTX. Vì vậy, việc tạo ra các sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, nguồn gốc rõ ràng đáp ứng nhu cầu thị trường là mục tiêu HTX hướng đến. Để làm được điều này, HTX tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, thu hái, đóng gói sản phẩm; đã dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm quả ổi, chanh dây.

Ở huyện Kbang còn có rất nhiều nông dân đầu tư trồng cây ăn quả. Tiêu biểu như ông Cao Tấn Đảng (xã Kông Pla) trồng hơn 300 gốc na Thái cùng với ổi và táo ngọt; ông Mai Thanh Xuân (thị trấn Kbang) trồng hơn 400 gốc nhãn; ông Trần Kim Hoàng (xã Kông Lơng Khơng) trồng 1.200 gốc cam Đường Canh… Tất cả các hộ này đều chỉ bón phân hữu cơ và các loại sản phẩm sinh học trừ sâu bệnh cho vườn cây và và tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV để bảo đảm ATLĐ, bảo vệ môi trường.

Kbang cũng là huyện có diện tích trồng cây ăn quả đứng đầu ở tỉnh Gia Lai với trên 900 ha, phần lớn được trồng phân tán ở rẫy và trong vườn nhà. Cây ăn quả ở Kbang đa dạng về chủng loại, từ cam, quýt cho tới chuối, bơ, chôm chôm, xoài, sầu riêng, vải, nhãn lồng… Mô hình này đã và đang giúp nhiều gia đình trên địa bàn thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Ông Mã Văn Tình - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện đánh giá: “Trồng cây ăn quả đang trở thành một trong những hướng sản xuất nông nghiệp mới của nông dân huyện Kbang. Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của các loại cây trồng, huyện đã tổ chức các lớp hướng dẫn cách trồng chăm sóc cây ăn quả; triển khai một số mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ; tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học chuyển sang dùng chế phẩm sinh học, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm