Thị trường

Gia Lai: Từ 10 triệu vốn vay đến tỷ phú nông dân

(DNVN) - Xuống cơ sở chứng kiến từng cột hồ tiêu đang độ ra hoa, từng chùm cà phê sai trĩu quả mới thấy tỷ phú nông dân ngày càng xuất hiện nhiều.

Việt Nam có ngân hàng 100% vốn của Singapore đầu tiên / Kon Tum: Hiệu quả khởi nghiệp nông nghiệp sạch từ tín dụng Agribank

Đổi đời từ cây hồ tiêu
Địa điểm đầu tiên, chúng tôi ghé thăm là nương rẫy hồ tiêu của hộ gia đình anh Lê Hùng Huấn (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) - vùng tập trung nhiều hồ tiêu nhất của tỉnh Gia Lai và cả nước.
Anh Lê Hùng Huấn: Năng suất hồ tiêu  năm nay dự tính đạt được 5kg/trụ

Anh Lê Hùng Huấn: Năng suất hồ tiêu năm nay dự tính đạt được 5kg/trụ

Sau một hồi thăm nương rẫy, chúng tôi được nghe anh Huấn kể cho nghe về qúa trình lập nghiệp của mình. Anh bảo: Từ năm 2002, xác định vùng đất Chư Sê phù hợp nhất với cây hồ tiêu, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng Agribank vào đầu tư sản xuất. Vợ chồng tôi bắt đầu từ khoản vay 10 triệu đồng của ngân hàng. Thuở ấy, 10 triệu đồng với chúng tôi lớn lắm.
Theo thời gian, khoản vay của chúng tôi cứ lớn dần lên, và nương rẫy cũng lớn theo. Đến nay, khoản vay Agribank của gia đình đã lên đến 7 tỷ đồng. Thế nhưng, vợ chồng tôi có 5 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch và hơn 30 ha cây công nghiệp khác. Anh Huấn hiện có 7 – 10 lao động thường xuyên. Khi vào mùa làm cỏ, gia đình lại huy động thêm lao động thời vụ.
Một trong những may mắn của anh Huấn là ngay từ ban đầu, gia đình anh đã xác định phát triển cây công nghiệp theo hướng hữu cơ. Hình thức đó lại vô cùng phù hợp đối với thị trường tiêu thụ khó tính, khắt khe như hiện nay, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu.
Anh Huấn cho biết thêm: Do đầu tư theo hướng hữu cơ nên cây hồ tiêu của gia đình mình không bị sâu bệnh. Trồng hữu cơ phải đầu tư mạnh ở giai đoạn đầu, bón lót bằng phân chuồng, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật mới cho ta sản phẩm sạch.
Mặc dù giá hạt tiêu năm nay xuống thấp, chỉ khoảng trên dưới 50 nghìn đồng/kg tùy loại nhưng anh Huấn khẳng định sẽ không bị lỗ, chỉ giảm phần lợi nhuận của mình. Hơn nữa, mình làm hữu cơ từ đầu, giờ tập trung vào thu hoạch, ít phải đầu tư nên không lỗ được. Anh sơ lược, một ha tiêu canh tác theo phương pháp hữu cơ phải đầu tư khoảng 120 – 150 triệu/năm.
Từ thuở sơ khai lập nghiệp với 2ha đất, nay anh Sơn đã sở hữu lên đến gần 60ha đất nông nghiệp

Từ thuở sơ khai lập nghiệp với 2ha đất, nay anh Sơn đã sở hữu lên đến gần 60ha đất nông nghiệp

Khi được hỏi về thu nhập của gia đình, anh nhoẻn miệng cười tươi: Tổng thu nhập của gia đình mình sau khi trừ hết các chi phí còn khoảng 2 tỷ đồng/năm, riêng hồ tiêu khoảng 1,7 – 1,8 tỷ đồng/năm. Các loại cây khác ít và mới đầu tư nên thu hoạch chưa cao.
Nhìn vào vườn tiêu phơi đặc hoa, anh Huấn nói: “Năng suất ở diện tích thu chính năm nay sẽ rất hiệu quả. Dự tính, phải đạt được 5kg tiêu/trụ, cao gấp đôi năm ngoái. Nói chung, nhà mình tưới bằng hệ thống nhỏ giọt cho nên cũng tiết kiệm được nước, không bị thiếu nước, lại kết hợp với nông nghiệp hữu cơ nên năm nào hồ tiêu cũng cho năng suất cao, nhưng mùa vụ sau cây vẫn sinh trưởng phát triển rất tốt, không bị “kiệt sức”.
Không để trứng chung một giỏ
Cũng như anh Huấn, anh Phan Thanh Sơn (SN 1967, xã Ia Dom, Đức Cơ) khởi nghiệp từ 10 triệu vốn vay của ngân hàng Agribank và 2 ha đất nông nghiệp. Đến nay, anh Sơn có trong tay gần 60 ha cây công nghiệp đủ các loại: Cao su, cafe, tiêu, bơ, chuối,… đã cho thu hoạch, đó là chưa kể đến khu vực chờ đền bù từ thủy điện Ia Krel… cùng với 4 – 5 lao động thường xuyên. Tuy nhiên, anh Sơn lại chọn cây cao su là cây chủ lực đầu tư gia đình mình.
Anh Sơn quả quyết: Tất cả là nhờ vào ngân hàng nông nghiệp (Agribank - PV), nếu không, chúng tôi làm gì có được ngày hôm nay. Người dân ở đây, nếu không có ngân hàng hỗ trợ vốn thì không thể làm gì được cả. Trước đây, vùng đất dọc biên giới này có gì đâu, khai phá, đầu tư mà không có ngân hàng thì cũng bỏ không…”.
Anh Sơn hồi tưởng: Ngày đầu mới vào đây, quả thật chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Đất đai mua rồi nhưng chỉ như một mớ hỗn độn. Vợ chồng phải ngày đêm bám rẫy, làm không biết mệt mỏi mới khai phá xong khoảnh đất đã mua. Tiếp đó lại phải đầu tư cây giống, chăm sóc tất bật bất kể ngày đêm. Chờ mãi mới đến hồi thu hoạch.
Giờ đây, ông Sơn phải đi bằng ô tô mới có thể đi rết rẫy của gia đình

Giờ đây, ông Sơn phải đi bằng ô tô mới có thể đi rết rẫy của gia đình

Sau khi trả hết nợ cũ của ngân hàng, vợ chồng lại mạnh dạn vay đầu tư, mua đất mở rộng sản xuất, mua máy móc về phụ trợ canh tác. Rồi thì cứ lấy ngắn nuôi dài, ban đầu là cây cao su, sau đó đến cà phê, hồ tiêu, điều, chuối và cả cây ăn trái,…
Gần 20 chục năm gắn bó với nghiệp nhà nông, anh Sơn đúc rúc cho mình nhiều kinh nghiệm và hướng vào đa canh cây trồng, đặc biệt là với cây công nghiệp, không nên độc canh, trứng không nên bỏ chung một giỏ, mất mùa cây này, ta có cây khác..
Từ cao su, hồ tiêu, điều, cà phê cho đến các loại cây ăn quả được xen canh với nhau. Mùa nào thức ấy, khu vườn của anh Sơn hầu như được chăm bẵm để thu hoạch quanh năm. Với anh: Khi trồng xen canh, đa canh, cao su giảm giá đã có tiêu đỡ, tiêu rớt có điều phụ trợ. Bên cạnh đó, các lớp cây ăn quả cũng tạo doanh thu ổn định cho gia đình anh. Đa canh cũng giúp đất đỡ bị cằn cỗi hơn, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm quanh năm.
Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh vườn bằng ô tô, anh Sơn hài hước: Ngày xưa không dám nghĩ đến, bây giờ thì đi thăm rẫy phải đi bằng ô tô, chứ đi bộ không nổi nữa.
Về hoạt động vay vốn tín dụng trên địa bàn, ông Trần Đình Bảy, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đức Cơ, Gia Lai thông tin: Vượt qua những khó khăn và tận dụng các yếu tố thuận lợi, chi nhánh đã khảo sát thị trường và đầu tư vốn tín dụng đúng đối tượng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của cá nhân, hộ gia đình.
Bên cạnh việc cho vay vốn đầu tư, Ngân hàng cũng luôn tạo cho các đối tượng vay, giao dịch đồng vốn có cảm giác thoải mái và tin tưởng vào ngân hàng với việc áp dụng lãi suất một cách linh hoạt, góp phần tích cực vào phát triển hai đầu… Hộ ông Phan Thanh Sơn cũng là một trong những đối tượng khách hàng lâu năm, đầu tư có hiệu quả của chi nhánh.
Phương Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm