Giá lợn hơi “hạ nhiệt”
Nhu cầu xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương đề nghị thương nhân có phương án nhập khẩu / Không tháo gỡ vướng mắc chính sách, Việt Nam chắc chắn sẽ thiếu khí
Những ngày cuối tháng 6 và tháng 7, giá lợn hơi tăng mạnh khiến giá thịt thành phẩm tăng vọt theo. Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó có mặt hàng thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.
Sau một thời gian neo ở mức 75.000 đồng/kg, 3 tuần trở lại đây, giá lợn hơi trên cả nước đã giảm và ổn định. So với hồi cuối tháng 7, giá lợn hơi xuất chuồng giảm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại.
Tại khu vực kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội, thịt lợn ở đây chủ yếu được bán buôn. Các tiểu thương cho biết, những ngày gần đây, thịt lợn mảnh tại các lò mổ đã giảm và nguồn cung dồi dào hơn so với tháng trước đó.
Giá lợn hơi giảm đã tác động đến giá thịt lợn ngoài thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Giá lợn ở lò giảm khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg hơi. Tôi mua tại lò lợn móc hàm là 113.000 đồng, lên đây bán buôn thì được 125.000 đồng", chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.
"Tôi thấy thịt lợn đã hạ rồi. Người tiêu dùng thấy giá đang cao như vậy mà bây giờ hạ thì cũng thấy thoải mái hơn", bà Vũ Thị Bích Liên, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.
Giá lợn hơi giảm đã tác động đến giá thịt lợn ngoài thị trường. Trang trại xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, Bắc Giang trước mỗi ngày xuất bán 300 con lợn, nay lên tới 450 con.
"3 tuần trở lại đây do Chính phủ điều hành, giá dầu rẻ hơn, giá vận tải thấp. Các trang trại tăng cường phòng dịch và tái cơ cấu đàn nên hiện nay lượng lợn tốt hơn, giá ổn định ở mức 68.000 - 70.000 đồng/kg hơi", ông Thân Văn Hùng, Xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, Bắc Giang, cho hay.
Còn theo một số đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong cơ cấu giá thành sản phẩm thịt lợn, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 70%. Giá lợn hơi giảm một phần do giá thức ăn chăn nuôi ổn định trong vài tháng qua.
"Theo chương trình bình ổn giá từ Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, chúng tôi chủ động đã chủ động mua nguyên liệu trong nước và nhập từ nước ngoài để đảm bảo nguồn cung từ giờ đến cuối năm, ổn định giá đầu ra, không tăng giá", ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh, Bắc Giang, cho biết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Bộ liên quan cũng đẩy mạnh rà soát, kiểm tra tình hình buôn bán thịt lợn ở các tỉnh biên giới, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước ổn định.
Chủ động nguồn cung thịt lợn cho cuối năm
Nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới giá cả. Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg sẽ là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh tái đàn phục vụ cho nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.
Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn duy trì trên 400 lợn nái, 4.000 lợn thịt. Trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.
Theo đại diện hợp tác xã, do tác động của thị trường, dịch bệnh trên đàn gia súc và giá thức ăn chăn nuôi khiến nhiều trang trại giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng trại. Như vậy, số lượng lợn xuất bán ra thị trường của hợp tác xã sẽ cao hơn so với năm 2021.
"Chúng tôi chủ động vừa giữ lợn lại, vừa tăng đàn lên nên năm nay chúng tôi chuẩn bị lượng lợn cho dịp Tết tăng gấp đôi so với mọi năm. Mọi năm từ 800 - 1.000 con lợn, nhưng năm nay chúng tôi chuẩn bị 2.000 con cho dịp Tết Nguyên đán", ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội, thông tin.
Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con. (Ảnh: TTXVN)
Là địa phương có tới 220 trang trại chăn nuôi lợn, tổng đàn khoảng 950.000 con, tỉnh Bắc Giang cung cấp khoảng 60% lượng lợn ra các tỉnh ngoài. Trang trại tại xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, sau khi xuất bán lượng lợn thịt sẽ tiếp tục vào đàn. Tuy nhiên, để đảm đảm bảo tổng đàn không bị hao hụt, trang trại cần chăn nuôi an toàn sinh học.
"Tôi vẫn tiếp tục tái đàn, vào đầy đủ hơn 2.000 con lợn. Chăn nuôi bây giờ chỉ có an toàn sinh học là tốt nhất và đảm bảo. Mình phải đảm bảo cho toàn bộ khu vực trang trại, dùng vôi để giảm kháng sinh", ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, cho hay.
"Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung tương đối ổn định. Do vậy, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, 220 trang trại đã chủ động tăng đàn cho những tháng cuối năm và dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường 80.000 - 90.000 tấn thực phẩm", ông Lê Văn Dương, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, cho biết.
Hiện 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam cũng duy trì tổng đàn khoảng 6,5 triệu con lợn để cung cứng thịt lợn cho thời điểm cuối năm với giá bình ổn.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, công tác tái đàn của địa phương trên cả nước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con.
End of content
Không có tin nào tiếp theo