Giải bài toán nhân lực, đón cơ hội bán dẫn
Làm gì để du lịch Việt Nam khởi sắc bền vững? / Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP
Một thống kê mới đây cho thấy, Việt Nam hiện đang chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đánh giá, lượng nhân sự này hiện mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu. Vì vậy, nhiều trường đại học đã bắt tay với doanh nghiệp, thay đổi chương trình đào tạo theo hướng mở, đào tạo bổ sung, chuyên sâu nhằm giúp rút ngắn thời gian, cung cấp sớm lực lượng lao động chất lượng cao cho thị trường.
Buổi thực hành chuyên sâu tại phòng thí nghiệm ngành vi mạch bán dẫn thuộc chương trình liên kết của một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh với nhiều tập đoànbán dẫnlớn trên thế giới. Sinh viên, học viên vừa được tiếp cận các nội dung đào tạo mới, vừa được trao cơ hội học bổng, việc làm nếu có kết quả tốt.
Việt Nam hiện đang chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Trong quá trình học tập và đào tạo bài bản tại đây, sinh viên có cơ hội nhận được học bổng toàn phần. Điều đó đã thúc đẩy mình cũng như các bạn sinh viên theo đuổi ngành vi mạch", học viên Phan Vạn Kim, Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
"Chương trình này chúng tôi đào tạo chuyên sâu hơn, cung cấp nhiều kiến thức sâu hơn, kinh nghiệm thực tiễn sâu hơn cho học viên để học viên có thể đảm nhận được khâu thiết kế trong chuỗi công việc thiết kế chip, từ đó làm chủ khâu thiết kế chip, đặc biệt là các chip phức tạp trong thời đại công nghiệp hiện nay", Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, Phó trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay.
Nhà máy sản xuất chip bán dẫn thứ 2 đặt tại Việt Nam của tập đoàn Hana Micron, Hàn Quốc với tổng diện tích hơn 6 ha, có 1.500 lao động là người Việt. Việc mở rộng quy mô lần này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào tiềm năng của nguồn nhân lực Việt Nam.
"Qua quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy Việt Nam có một nguồn nhân lực trẻ và cần mẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chi phí nhân sự có tính cạnh tranh cao. Việt Nam cũng đang có chương trình đào tạo thêm 50.000 kỹ sư cho ngành này, cho thấy sự quan tâm và đầu tư của các bạn", ông Chung Wonseok, Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina, đánh giá.
Theo các chuyên gia bên cạnh việc đổi mới đào tạo, đáp ứng nhu cầu trước mắt, bán dẫn là một ngành xương sống, là cơ sở cho thế giới công nghệ tương lai nên cần đầu tư trọng điểm dài hạn, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trẻ.
"Cơ hội chip và bán dẫn tôi nghĩ là phải 10 - 20 năm tới, nhìn rất rõ điều ấy. Thế giới càng nhiều trí tuệ nhân tạo, càng nhiều người máy, càng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin thì chúng ta càng cần nhiều chip và bán dẫn, vì đấy là nền tảng. Cơ hội của chúng ta là rất rõ rệt. Lực lượng trẻ, thông minh, có thể học hỏi rất nhanh, chuyển đổi rất nhanh", ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT, nhận định.
Theo lộ trình, các cơ sở đào tạo sẽ cần cung cấp cho thị trường lượng lao động bán dẫn ở trình độ cao là khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30%, bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ. Giải được bài toán nhân lực chất lượng cao, Việt Nam sẽ đón được làn sóng công nghiệp bán dẫn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo