Giải bài toán vận chuyển, bảo quản để nông sản miền núi "xuất ngoại"
Giá nông sản ngày 9/4/2023: Cà phê tăng 1.000 đồng/kg, hồ tiêu đi ngang / Giá nông sản ngày 13/4/2023: Cà phê đạt 50.400 đồng/kg, tiêu trụ vững ở mức cao
Với nhiều đặc sản có giá trị kinh tế, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa được đánh giá còn nhiều tiềm năng cho sản xuất hàng hóa nông sản.
Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế của các đặc sản, sản phẩm khu vực này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.
Trong đó, nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Thông qua chương trình, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định. Đây không chỉ qua các kênh phân phối lớn, nhỏ trong nước, mà còn được tiêu thụ nhiều hơn qua các kênh thương mại điện tử; du lịch nông nghiệp và xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn gặp nhiều khó khăn như quy mô sản xuất còn nhỏ, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản miền núi còn hạn chế.
Việc kết nối quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử còn khó khăn. Khâu vận chuyển tiêu thụ sản phẩm chưa thuận tiện…
Chia sẻ tại Tọa đàm "Vùng đồng bào dân tộc miền núi – Phát triển mạnh sản phẩm xuất khẩu”, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, qua đợt khảo sát khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa qua cho thấy, hoạt động xuất khẩu nông sản khu vực Tây Nguyên đang gặp thuận lợi. Giá cao su xuất khẩu đang đi ngang, giá cà phê tăng khiến cho bà con nông dân phấn khởi.
Tuy nhiên, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vải thiều đang vào vụ thu hoạch (sớm hơn miền Bắc) và sản lượng ước chừng 900 nghìn tấn. Vải thiều ở đây được thu hoạch sớm nhưng giá lại giảm khoảng 40% so với năm trước. Đó là chưa kể tới thời tiết nắng nóng vận chuyển sẽ khó khăn hơn.
“Sản xuất trái cây chủ lực khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên đang có nhiều thay đổi. Khâu đóng gói, thu hoạch đã bảo đảm chất lượng cao nhất, đặc biệt là cây cà phê để thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, dư lượng thuốc kháng sinh vẫn còn, nhất là trong quả sầu riêng. Khâu vận chuyển, bảo quản vẫn là bài toán hóc búa cho việc nông sản tiếp cận thị trường xuất khẩu và cũng như phát triển thị trường nội địa”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, chi phí vận chuyển cao kéo theo giá sẽ cao. Đó là chưa kể tới công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu sản phẩm nông sản khu vực miền núi còn hạn chế.
Bởi vậy, hiện nay, 45% sản phẩm nông sản khu vực miền núi là tiêu dùng tại chỗ. Ngoài sản phẩm xuất khẩu ra thì chỉ lượng nhỏ đến tay người tiêu dùng toàn quốc. Điều này làm giảm đi sức ảnh hưởng, thương hiệu của sản phẩm.
“Ví dụ, tỉnh Sơn La đã có sân bay nhưng chúng ta chưa khai thác được nông sản của Sơn La để vận chuyển qua đường hàng không. Các sản phẩm nông sản ngon và đặc thù tại khu vực miền núi có số lượng chưa lớn, nên tầm ảnh hưởng chưa nhiều, nhãn mác truyền thông cho sản phẩm còn hạn chế. Cùng với đó, người sản xuất nông sản khu vực miền núi sử dụng nền tảng số còn hạn chế”, ông Thủy nói.
Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Nam Thể, mấy năm gần đây, sản phẩm mỳ Chũ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều tốt.
Thị trường nước ngoài ưa chuộng sản phẩm này không chỉ châu Á mà cả châu Âu. Hoạt động sản xuất mỳ Chũ đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, từ nghề phụ chuyển thành nghề chính. Người dân làm giàu chính đáng từ mỳ.
“Tuy nhiên, mỳ Chũ chỉ đáp ứng được nhu cầu 20% xuất khẩu do công đoạn phơi còn phụ thuộc vào nắng gió. Sản phẩm ngon chính là nhờ cách thủ công này. Muốn xuất khẩu được, mỳ Chũ phải đạt được giấy chứng nhận với sự kiểm tra nghiêm ngặt của thị trường nước ngoài”, ông Nam nói.
Để chủ động xây dựng được thương hiệu cho nông sản miền núi nói riêng và nông sản cả nước nói chung, bà Trần Thanh Bình – Trưởng phòng Phòng xuất nhập khẩu hàng nông – lâm - thuỷ sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra được chiến lược của mình trong việc đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như quy định của thị trường nước nhập khẩu.
Đây cũng chính là cơ sở để cơ quan quản lý địa phương và trung ương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo