Thị trường

Số hóa chuỗi cung ứng, giải bài toán tắc nghẽn cửa khẩu cho nông sản Việt

DNVN - Nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nông sản là 300 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn - chiếm 1% tổng nhu cầu nông sản của thị trường tiềm năng này. Việc số hóa chuỗi cung ứng và giải bài toán tắc nghẽn tại các cửa khẩu là điều cần thiết.

Đồng Tháp khai mạc lễ hội xoài / 5 cách để quần áo không còn mùi khói thuốc lá

Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đánh giá, Trung Quốc là thị trường hết sức tiềm năng. Mới đây, VIMC đã trực tiếp sang Trung Quốc tìm hiểu các thị trường lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Sơn Đông, Thanh Đảo. Tại Trung tâm Đông Phương Định Tín - 1 trong 9 trung tâm hoa quả lớn nhất của Trung Quốc, mỗi ngày có tới 100 container chở các loại nông sản, trái cây bao gồm cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Với 1 trung tâm lớn như vậy nhưng sản lượng hàng hóa của Việt Nam chiếm không quá 5%.
Theo ông Trung, với thị trường Trung Quốc, hàng trái cây, nông sản xuất khẩu bằng hình thức tiểu ngạch dần dần sẽ phải giảm trong thời gian tới, theo lộ trình là đến 2025 không còn xuất khẩu tiểu ngạch, thay vào đó bằng xuất khẩu chính ngạch. Đối với Việt Nam, các nông trại, các nhà sản xuất phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói được đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; cũng như phải đáp ứng các quy định, quy trình sản xuất của nhà nhập khẩu. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đã áp dụng mạnh thương mại điện tử và chuyển đổi số. Vấn đề thủ tục pháp lý và tính kết nối là những yêu cầu lớn trong thời gian tới.

Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Do đó, Phó Chủ tịch VLA cho rằng, trong hoạt động giao thương với Trung Quốc, Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề lớn. Thứ nhất là vấn đề tắc nghẽn tại các cửa khẩu. Hiện Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc qua 5 cửa khẩu cùng với hệ thống tàu biển, hệ thống cảng biển, hệ sinh thái hàng hải giữa hai quốc gia.
Liên quan đến vận tải qua biên giới, vấn đề thông quan, chuẩn tắc các chứng chỉ, trong đó có chứng chỉ CO hàng hóa, mở tờ khai và đặc biệt là năng lực thông quan tại các cửa khẩu là điều mà các DN đặc biệt quan tâm.
"Tôi rất mong sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Trong đó, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh một số tỉnh biên giới nâng cao năng lực hoặc xây dựng các khu thông quan có một số ưu đãi, đặc biệt là giao diện giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc cũng như về một số tập quán, đặc biệt trong chuỗi hàng nông sản có truy xuất nguồn gốc", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam kiến nghị.
Các DN cũng mong muốn Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Xúc tiến thương mại, mở rộng cửa khẩu, trung tâm để hỗ trợ thông quan, giải quyết các vấn đề mới phát sinh liên quan đến tắc nghẽn hàng hóa mà trên thực tế DN thành viên khi tham gia vào đang vướng mắc.
Thứ hai, ông Trung bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương chủ trì, đẩy mạnh nền tảng số hóa để xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng. VLA, các hiệp hội khác cũng như hệ sinh thái logistics, hàng hải của Tập công ty Hàng hải Việt Nam sẽ tham gia một cách sâu rộng liên quan đến hỗ trợ cho chuỗi hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chính quy hơn, quy mô hơn và thuận lợi hơn.
Trong việc kết nối các chủ hàng với người mua, Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc có vai trò rất lớn trong việc kết nối với người mua phía Trung Quốc, để từ đó thực sự xây dựng được chuỗi nông sản theo hướng khép kín quy trình từ nông trại đến bàn ăn, chuẩn hóa trong cơ sở dữ liệu cũng như xuất xứ hàng hóa và giao diện kết nối.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nông sản mỗi năm là 300 triệu tấn. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn - chiếm 1% tổng nhu cầu nông sản của quốc gia tỷ dân này.
"VLA và các đơn vị như Tổng công ty hàng hải Việt Nam cùng hệ sinh thái hàng hải sẽ cố gắng kết nối thông qua các cửa khẩu cảng biển để vào sân chơi rất tiềm năng nhưng đang có những thay đổi lớn về nhu cầu chất lượng hàng hóa. Chúng tôi rất mong có sự vào cuộc tổng thể để sản lượng hàng nông sản Việt Nam vào Trung Quốc có thể lên tới 10 - 15% thay vì 5 - 7% như hiện nay", Phó Chủ tịch VLA bày tỏ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm