Giải pháp nào gỡ khó cho vận tải biển và thúc đẩy xuất nhập khẩu?
Áp lực bán mạnh, VN-Index quay đầu giảm điểm / Việt Nam cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa nền kinh tế ngay từ bây giờ
Tháo gỡ khó khăn cho vận tải biển
Dịch bệnh đã khiến ngành vận tải biển toàn cầu chứng kiến nhiều "sóng gió" trong hơn 1 năm trở lại đây. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nếu như nhìn vào con số xuất khẩu hàng container qua cảng biển 8 tháng của Việt Nam tăng trưởng ở mức gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái thì vẫn cho thấy kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, điều đáng nói là sản lượng của tháng 8 đã bắt đầu có xu hướng giảm so với tháng 7.
Điều này được cho là bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đang "ngấm dần" vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp, đặt biệt khi các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Trước thực tế này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có cuộc đối thoại với đại diện các doanh nghiệp trong chuỗi logistics gồm chủ hàng, cảng biển và vận tải để ghi nhận những khó khăn vướng mắc và tìm giải pháp từng bước tháo gỡ.
Giá cước vận tải biển thời gian qua tăng kỷ lục. Ảnh minh họa - Dân trí.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng, giá cước vận tải biển tăng cao trong thời gian qua đã mang lại lợi nhuận lớn cho các hãng tàu. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn đủ bề, rất cần có sự chia sẻ để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ hải quan, VCCI nói: "Doanh nghiệp vừa khó khăn trong việc nhập nguyên vật liệu, vừa khó khăn trong quá trình sản xuất, trong khi đó cước vận chuyển quá lớn và đội lên giá thành. Với Việt Nam, lượng hàng xuất khẩu hàng năm rất lớn".
Trong khi chờ đợi thị trường bình ổn, Việt Nam đã triển khai một số giải pháp nhằm giảm các loại chi phí khác cho doanh nghiệp.
"Đối với Việt Nam, chúng ta đảm bảo rằng trong tình huống dịch bệnh COVID-19 hai năm nay không tăng các phụ thu trong nước và áp dụng tất cả các giá sàn, thậm chí giảm giá để ưu đãi cho các doanh nghiệp", ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Trước tình trạng hàng hoá thông qua cảng biển đang chứng kiến sự sụt giảm từ tháng 8 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cảng biển và logistics cho rằng, cần phải đánh giá một cách toàn diện về nguy cơ sản lượng hàng có thể giảm từ cuối năm nay đến đầu năm sau khi chuỗi sản xuất tại khu vực phía Nam đang phải đối mặt với lo ngại gián đoạn cục bộ vì dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải phải xem xét và khẩn trương có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngay. Chúng tôi cũng cam kết với các doanh nghiệp sẽ chỉ đạo kiểm tra hàng ngày toàn bộ hoạt động của các cảng có liên quan đến vướng mắc của doanh nghiệp và sẽ xử lý ngay".
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa cần có sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành địa phương. Đặc biệt là các giải pháp linh hoạt trong công tác kiểm soát dịch bệnh để hỗ trợ lưu thông.
Giải pháp bình ổn giá cước
Trong nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng biển vấn đề được cho là nóng nhất trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp là giá cước vận tải biển tăng cao.
Ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 7, một contairner 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ đã phải chịu cước lên đến 15.000 USD, cao gấp 14 lần so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, mới đây, thị trường xuất nhập khẩu đã đón nhận một tín hiệu tích cực khi hãng tàu lớn thứ 3 thế giới là CMA-CGM của Pháp đã cam kết không tăng giá cước từ nay đến đầu tháng 2 năm sau.
Sau đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã làm việc với hãng tàu này và cam kết không tăng giá cũng đã được áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam. Đây được cho là động lực để cơ quan chức năng tiếp tục làm việc với 10 hãng tàu lớn nước ngoài để bình ổn giá cước trong thời gian tới.
Ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 7, một contairner 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ đã phải chịu cước lên đến 15.000 USD. Ảnh minh họa - Dân trí.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng cần nhanh chóng nâng cao năng lực, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các môi giới, đại lý dẫn đến bị chính các đầu mối trung gian này làm giá.
"Để đảm bảo sự minh bạch trong thị trường giá các chủ hàng cũng như hiệp hội của Việt Nam cần nâng cao năng lực đàm phán với các hãng tàu. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục thúc đẩy chuyển số đưa những sàn giao dịch số cũng như những công cụ ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản mối quan hệ giữa người xuất nhập khẩu với hãng tàu.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các hãng tàu tuyên truyền phổ biến các cách thức giao dịch này làm sao các chủ hàng có thể cắt bớt các khâu trung gian và các giá cả được minh bạch một cách tối đa", ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Xây dựng kịch bản dự phòng để tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa
Còn liên quan đến phản ánh về việc thiếu vỏ container đóng hàng xuất khẩu, lãnh đạo Cục Hàng hải khẳng định ở Việt Nam không thiếu vỏ. Bởi theo thống kê 6 tháng đầu năm nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, tức vỏ container vẫn được đảm bảo để chuỗi hàng hóa xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay một số giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm khơi thông luồng hàng hoá tại các cảng biển trong bối cảnh dịch bệnh cũng đang được triển khai.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, việc lên kế hoạch dự phòng công suất hoạt động của các cảng biển, sẵn sàng đối phó với nguy cơ ùn ứ ảnh hưởng đến lưu thông như đã từng xảy ra tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh gần đây cũng đã được triển khai.
"Với đặc thù là hoạt động xuất nhập khẩu có những giai đoạn, thời điểm trong năm có sự tăng trưởng đột biến về sản lượng như vào dịp Tết, vì vậy nếu trong trường hợp có dự phòng về công suất của các bến, có sự điều hoà chung giữa các doanh nghiệp cảng trong khu vực và điều hoà chung các cảng của khu vực này với khu vực khác sẽ chủ động hơn", ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.
Cần xây dựng kịch bản dự phòng để tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa. Ảnh minh họa - Báo ĐT ĐCSVN.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin, hiện các đơn vị chức năng cũng đang xây dựng các giải pháp vận tải hàng hoá phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh phân theo các mức độ kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương, đảm bảo chủ động điều phối lưu thông hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, cũng như đến các cảng biển để xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá tiến độ tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong chuỗi logistics đường biển sẽ đóng vai trò quyết định cho việc hồi phục và duy trì hoạt động xuất nhập khẩu.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lao động tại cảng biển, thuyền viên và các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp sản xuất, nhằm duy trì chuỗi lưu thông hàng hoá, tạo đà phát triển kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam